Trong đó, miếng bọt biển rửa bát chứa đầy mầm bệnh tiềm ẩn chỉ là một phần của vấn đề. Dưới đây là 8 lỗi rửa bát phổ biến nhất, có thể làm lây lan vi trùng, làm hỏng bát đĩa và tạo ra nhiều chất thải.
1. Dùng quá nhiều nước rửa bát
Nếu bồn rửa bát của bạn trông như một bồn tắm sủi bong bóng sang trọng thì gần như chắc chắn bạn đang dùng quá nhiều nước rửa bát. Quá nhiều chất tẩy rửa có thể để lại cặn, làm bát đĩa trông có màu đục và đọng lại trong miệng. Vì vậy, hãy sử dụng lượng chất tẩy rửa theo khuyến nghị của nhà sản xuất.
Thành phần nước rửa bát cũng rất quan trọng. Hãy tránh sử dụng nước rửa bát có chất tẩy trắng, triclosan hoặc các chất khử trùng mạnh khác vì chúng tạo ra siêu vi khuẩn kháng thuốc. Dùng xà phòng đơn giản và nước nóng là đủ để làm sạch bát đĩa của bạn, đặc biệt nếu bạn dùng máy rửa bát.
2. Lãng phí nước
Nếu rửa bát bằng tay, hãy lắp vòi nước có dòng chảy thấp hoặc máy sục khí. Tắt vòi trong khi rửa và đổ đầy một chiếc chậu nhỏ để rửa bát thay vì rửa từng món một và để vòi xả liên tục.
Nếu rửa bát bằng máy, hãy bỏ qua bước rửa trước và chỉ cần loại bỏ sạch thức ăn khỏi bát đĩa. Tuy nhiên, nếu bạn gom hết bát đĩa trong một ngày mới rửa thì hãy rửa qua trước khi xếp bát vào máy.
3. Làm sạch bằng bọt biển
Bọt biển có thể chứa hàng nghìn vi khuẩn E.coli và Salmonella trên mỗi cm2. Những khe rãnh giúp loại bỏ thức ăn mắc kẹt cũng là địa điểm yêu thích của vi trùng.
Hãy chọn giẻ rửa bát làm bằng sợi tự nhiên thay vì những miếng bọt biển bằng nhựa.
Treo giẻ rửa bát cho khô giữa các lần sử dụng, thay đổi miếng giẻ sạch hàng ngày.
Sau khi sử dụng thì giặt sạch khăn lau bát đĩa bằng xà phòng và sấy khô hoặc phơi nắng để loại bỏ vi khuẩn.
4. Rửa bát trong bồn bẩn
Bồn rửa nhà bếp thường chứa 100.000 vi trùng, gấp 100.000 lần so với phòng tắm hoặc nhà vệ sinh. Hãy vệ sinh bồn rửa chén, bát hàng ngày bằng giấm và baking soda, hoặc giấm và muối.
Máy rửa bát của bạn cũng có thể rất bẩn. Hơi nóng và độ ẩm tạo ra môi trường hoàn hảo để nấm mốc và vi khuẩn phát triển. Nếu máy rửa bát có mùi thì bạn cần vệ sinh ngay. Thỉnh thoảng cho vào máy rửa bát một cốc giấm, một cốc baking soda rồi để máy chạy không.
5. Sử dụng thiết bị tiêu hủy rác
Thiết bị tiêu hủy rác này sẽ rất tốn nước và năng lượng. Thay vào đó, bạn có thể biến rác thực phẩm thành phân bón hoặc đưa đến bãi chôn lấp.
6. Rửa không đúng cách
Với chảo gang không sử dụng chất tẩy rửa mạnh. Thay vào đó, hãy dùng bàn chải cứng và nước thường. Rửa xong hãy làm khô chảo gang trên bếp và cho dầu vào khi chảo đã nóng.
Không bao giờ cho vật dụng bằng gỗ vào máy rửa bát. Dù đó là thìa, thớt hay tay cầm thì nhiệt độ quá cao và độ ẩm của máy rửa bát có thể khiến gỗ bị phồng, nứt. Thay vào đó hãy rửa những vật dụng này bằng tay, tránh ngâm trong nước.
Không bỏ các loại dao vào máy rửa bát. Rửa bằng tay giúp chúng sắc bén, không bị hỏng chuôi và lưỡi.
Các loại xoong nồi cũng nên rửa bằng tay vì chất tẩy rửa có thể làm bong tróc lớp sơn chống dính. Việc để nhiều đồ trong máy rửa bát cũng có thể làm xước hoặc gây nứt xoong nồi. Đặc biệt, không để chảo chống dính, chảo đồng vào máy.
7. Nhồi nhét trong máy rửa bát
Máy rửa bát bị nhồi nhét quá nhiều sẽ dẫn đến bát đĩa bẩn, cặn xà phòng. Những vật dụng bỏ vào máy cần có không giao để nước di chuyển. Hãy làm theo hướng dẫn sử dụng mà nhà sản xuất đã cung cấp để trải nghiệm cách rửa đúng nhất.
8. Tẩy rửa không đúng cách
Rửa bát và dọn dẹp nhà bếp thích hợp là cách để ngăn ngừa những vi khuẩn có hại lây lan. Hãy sử dụng nước nóng để rửa bát. Rửa sạch bất cứ thứ gì tiếp xúc với thịt sống để tránh nhiễm bẩn chéo.
Loại bỏ khăn bẩn. Không dùng khăn lau tay, lau bếp để lau bát đĩa. Lấy một chiếc khăn mới hoặc dùng giá phơi để làm khô bát đĩa.
Đừng chỉ lau thớt hoặc dao. Thớt trung bình chứa nhiều vi khuẩn trong phân gấp hơn 200% so với bệ ngồi toilet. Vì vậy, hãy dùng xà phòng và nước nóng để vệ sinh dao, thớt sau mỗi lần sử dụng. Khi làm sạch xong, hãy phơi khô và không để dao, thớt ngâm nước.
(Theo Prevention)
>> Xem thêm: Rửa bát nên dùng nước lạnh hay nước nóng: Sai lầm của người nội trợ 20 năm vẫn không biết