Những thói quen xấu về tiền bạc khiến bạn dần nghèo đi trong tương lai. Tập trung vào việc tăng thu nhập và giảm chi phí là chìa khóa để cải thiện tương lai tài chính của bạn. May mắn thay, có một vài thói quen xấu về tiền bạc mà bạn có thể từ bỏ để giúp việc quản lý tài chính của bạn trở nên dễ dàng hơn.
Theo Indiatimes, dưới đây là 9 thói quen xấu về tiền bạc phổ biến nhất khiến bạn dần nghèo đi và cách thay đổi chúng:
1. Bội chi cho những thứ không cần thiết
Việc chi tiêu nhiều hơn số tiền bạn kiếm được chắc chắn sẽ dẫn đến những rắc rối về tài chính.
Để khắc phục, bạn nên chi tiêu trong khả năng của mình và tránh chi tiêu quá nhiều vào những thứ không cần thiết. Ví dụ, lập danh sách mua sắm trước khi ra ngoài mua đồ. Bạn có thể điều chỉnh danh sách mua sắm để đảm bảo bạn có được mọi thứ mình cần và phù hợp với ngân sách của mình.
Bạn nên đặt mục tiêu chi tiêu ít hơn số tiền kiếm được mỗi tháng, với mục tiêu tiết kiệm 20% thu nhập mỗi tháng.
2. Mua sắm trong phút "bốc đồng"
Việc mua sắm "tùy hứng" là một trong những nguyên nhân khiến tài khoản của bạn nhanh chóng cạn kiệt. Hãy dành thời gian lên danh sách những món đồ cần mua trong tháng đồng phải phân biệt rõ giữa mua sắm theo nhu cầu hay mua sắm theo sở thích.
Biết cách tiêu tiền là chìa khóa thành công về tài chính của bạn. Cách dễ nhất để kiểm soát thói quen chi tiêu của bạn là lập (và tuân theo) ngân sách.
Bạn nên đưa ra danh sách các món tiền cần chi trong một tháng như tiền nhà, điện nước, xăng xe, điện thoại, internet,... đồng thời có thể muốn thêm các danh mục để tiết kiệm và chi tiêu “vui vẻ” tùy ý mỗi tháng nếu ngân sách của bạn cho phép.
Sau khi bạn lập ra ngân sách, bước tiếp theo là theo dõi chi tiêu của bạn mỗi tháng để đảm bảo rằng bạn tuân thủ ngân sách đó. Theo dõi chi tiêu có thể giúp bạn đảm bảo rằng bạn không vượt quá ngân sách trong bất kỳ lĩnh vực nào. Nó cũng giúp bạn theo dõi tình hình tài chính của mình.
3. Không lên kế hoạch mua sắm chi tiêu theo ngân sách
Ngân sách, khá đơn giản, là kim chỉ nam giúp bạn sử dụng tiền của chính mình. Nếu không có nó, bạn sẽ dễ rơi vào thói quen chi tiêu "quá tay".
Theo quy tắc 50/30/20 - một chiến thuật lập ngân sách phổ biến, 50% thu nhập của bạn nên dành cho nhu cầu thiết yêu, 30% dành cho những việc phát sinh và 20% dành cho tiết kiệm.
4. Nợ thẻ tín dụng chồng chất
Nhiều người thường dựa vào thẻ tín dụng để chi tiêu và nhanh chóng mang "nợ" vào người vì "vung tay quá trán". Việc phụ thuộc quá nhiều vào thẻ tín dụng sẽ khiến tài hình của bạn không ổn định.
Hãy ưu tiên thanh toán đầy đủ số dư thẻ tín dụng của bạn hàng tháng và tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào chúng.
5. Không có quỹ tiết kiệm dự phòng
Mặc dù lạm phát đang khiến ngân sách eo hẹp, nhưng điều quan trọng là phải dành chỗ cho các khoản tiết kiệm khẩn cấp. Những khoản tiết kiệm này giúp đảm bảo bạn có thể trang trải các chi phí bất ngờ và tránh nợ nần chồng chất bằng cách thanh toán các chi phí đó bằng thẻ tín dụng hoặc khoản vay.
Hãy tạo thói quen thường xuyên tiết kiệm một phần thu nhập của bạn để đề phòng những chuyện khẩn cấp trong tương lai. Sau khi lập ngân sách và bắt đầu theo dõi chi tiêu hàng tháng, bạn nên bắt đầu gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm hàng tháng để dành cho quỹ khẩn cấp.
6. Không biết cách đầu tư để tăng thêm thu nhập
Bạn nên tìm hiểu về các cơ hội đầu tư khác và cân nhắc tham khảo ý kiến của các cố vấn tài chính để đưa ra các quyết định đầu tư sáng suốt.
7. Thường xuyên ứng trước tiền mặt
Mặc dù các khoản tạm ứng tiền mặt có thể cần thiết trong một số trường hợp để trang trải cuộc sống, nhưng việc dựa vào chúng quá thường xuyên có thể dẫn đến một vòng nợ nần chồng chất.
Các khoản tạm ứng tiền mặt có thể bao gồm các khoản vay sớm trước ngày lĩnh lương, thấu chi ngân hàng, các dịch vụ mua trước trả sau,.... Các khoản tạm ứng tiền mặt khiến bạn cảm thấy như đang tiêu tiền miễn phí, nhưng tất cả chúng đều yêu cầu bạn phải trả lại khoản tạm ứng cuối cùng và khiến bạn rơi vào vòng luẩn quẩn tài chính.
8. Tiêu quá nhiều tiền vào việc mua đồ ăn
Lời khuyên ở đây là hãy lập ngân sách riêng cho việc mua đồ ăn, thực phẩm trong gia đình, tránh việc chi tiêu lãng phí.
9. Mua đồ mới
Nếu bạn có quỹ tiền hạn hẹp, thay vì vung tiền mua đồ hoàn toàn mới hãy cân nhắc gia nhập vào những hội nhóm thanh lý nơi thành phố bạn sống. Bạn sẽ chọn được những món đồ đúng nhu cầu nhưng có giá thành rẻ hơn so với việc mua đồ mới.