Từ bao giờ mà các bà mẹ chồng trên màn ảnh Việt đều độc ác, cay nghiệt vô lý đến mức khán giả xem mà chỉ muốn khai tử nhân vật?
Bước sang phần 2 của bộ phim Cả một đời ân oán, có thể thấy bi kịch của toàn bộ tuyến truyện từ cô con dâu Diệu sẽ chuyển sang tay bà Lan mẹ chồng một tay gây ra.
Cũng không khó để dự đoán, kết thúc phim cũng sẽ viên mãn kiểu cả nhà thương nhau, nhưng biên kịch vẫn cố tình đưa thêm tình tiết và lời thoại khiến khán giả mong nhân vật mẹ chồng bị khai tử đi mới hả dạ.
Chính điều này đã trở thành tiếng báo động cho trào lưu phim Việt đang đi quá xa trong việc cường điệu hóa hình tượng các bà mẹ chồng đến mức tiêu cực
Bước sang phần 2, bà Lan mẹ chồng trở thành trung tâm tạo sóng gió cho Vũ gia.
Hình ảnh bà mẹ chồng ác độc mà cũ kĩ
Đã từ lâu, các bà mẹ chồng trong phim Việt Nam luôn được đóng khung trong một mô típ cũ kĩ: xét nét đến xấu tính và ác khẩu, thậm chí thích bắt nạt, hành hạ con cháu như cơm bữa.
Nhưng khi mô típ này được các biên kịch gia phim Việt dùng đi dùng lại từ phim này đến phim khác, sẽ biến bộ phim trở nên nhàm chán, thậm chí là thiếu nhân văn.
Và bà Lan của Cả một đời ân oán là điển hình cho hình tượng bà mẹ chồng như vậy.
Hình tượng bà Lan bị cường điều hóa đến mức làm khổ từ con đến cháu...
Ngay từ phần 1 của bộ phim, bà Lan đã gây sóng gió trên màn ảnh bởi những màn bắt tội vô lý cô con dâu hiền lành cam chịu. Đến kết cục, bà một tay khiến cả 3 người con trai của Vũ gia rơi vào cảnh không vợ không con bởi sự khó tính của mình.
Nhưng như vậy dường như là chưa đủ. Bộ phim tiếp tục xoáy sâu vào sự vô lý của bà Lan khi tiếp tay cho bà hành hạ một người từng là con dâu của mình, dù là đã không gặp mặt suốt 20 năm.
Nhân vật bà Lan lúc nào cũng nhất nhất khẳng định Dung và gia đình bà không còn chút quan hệ, nhưng lại không ngừng lên mặt dạy dỗ, thậm chí xúc phạm cô ngay trong bữa tiệc của gia đình.
Một mặt bà Lan khẳng định mình muốn chôn chặt quá khứ nhưng lại là người chủ động tìm đến nhà Dung sau 20 năm để xả cơn tức. Chính những chi tiết bất nhất về tâm lý và hành động này càng khiến khán giả khó cảm thông với nhân vật mẹ chồng.
Làm khổ con chưa đủ, nhân vật bà Lan còn nối dài những ân oán nhạt nhẽo của bộ phim bằng cách ép duyên cháu trai của mình.
Những chi tiết như ép duyên, nuôi sẵn cháu dâu để chờ cưới gả, theo dõi hành tung của con cháu kiểu vậy rõ ràng ít tính hiện thực mà nhiều tính cường điệu.
Cả một đời ân oán dường như đang cố sức xây dựng hình tượng một bà Lan chủ gia đình đi từ sự mạnh mẽ đến chỗ độc đoán và cay nghiệt. Nhưng lại quá sa đà vào những tình tiết vô lý dẫn đến làm xấu đi hình ảnh bà mẹ chồng hơn bao giờ hết.
Lời kêu cứu của các bà mẹ chồng trên màn ảnh
Những người làm mẹ, dù là khi trái tính trái nết đến đâu, vẫn thường xuất phát từ tình yêu con. Như cách xây dựng hình tượng nhân vật bà Lành với cô con dâu Lan trong Của để dành có lẽ là hình ảnh hiếm hoi nhất về người mẹ chồng tử tế của phim Việt khiến người xem ấn tượng.
Một bộ phim nhân văn đáng lẽ nên đi từ hạt nhân đó mà phát triển tính cách, giúp người xem soi lại bản thân và định hướng lại hành động cho đúng đắn. Đã từ lâu, phim Việt thiếu vắng đi hình ảnh một người mẹ như thế!
Người mẹ trên màn ảnh xưa đầy nhăn văn.
Cả một đời ân oán hiện nay bộ phim vẫn duy trì được sự theo dõi của khán giả nhờ các tình tiết đầy căng thẳng giữa các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên sự cường điệu quá mức trong cách xây dựng nhân vật mẹ chồng có thể phản tác dụng giáo dục, phản nhân văn.
Thử hỏi trên đời có cô con dâu nào như Dung, cháu dâu nào như Ngân chịu đựng được sự tra tấn về mặt tinh thần của mẹ chồng đến vậy?
Bao giờ mới hết hình tượng cứ mẹ chồng là phải xấu tính.
Một bộ phim giải trí không phải mà giáo dục cũng không đủ tầm, đừng hỏi tại sao hầu hết giới trẻ không thích phim Việt Nam, đến dối tượng khán giả lớn tuổi khi xem những tình tiết này cũng sẽ thấy bực mình cho một mối quan hệ gia đình lệch lạc.
Có lẽ mỗi khán giả là phụ nữ dù với cương vị là mẹ chồng hay con dâu khi xem phim cũng không khỏi cảm thấy buồn lòng.
Có khán giả ngán ngẩm: "Xem phim lúc nào cũng thấy không khí gia đình ấy nặng nề. Mẹ chồng nhiều lúc thái quá, làm hại người xem nhiều hơn là học hỏi".
Rõ ràng trào lưu làm phim về mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu của truyền hình Việt Nam với hình mẫu cứ mẹ chồng là xấu tính thật sự đang khiến các bà mẹ chồng của đời thực phải lên tiếng kêu cứu.
Mong rằng Cả một đời ân oán sẽ sớm tạo ra được một lối thoát khác cho các nhân vật để tránh chuyện phim đi vào lối mòn tiêu cực này.