Những con thuyền tại vịnh Đại Liên bị khói mù che khuất trong một ngày ô nhiễm ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Helsinki, Greenpeace Đông Nam Á và IQAir Visual đã ra mắt công cụ đo trực tuyến để đo khói bụi ở 28 thành phố lớn trên toàn thế giới và sử dụng các mô hình do chương trình Nghiên cứu Bệnh tật toàn cầu phát minh để ước tính ảnh hưởng tới sức khỏe. Mức độ sương khói cao hơn có đi kèm với hàng loạt bệnh như rối loạn phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi.
Tác động kinh tế được tính toán bằng cách ước tính các chỉ số như nghỉ việc và số năm bị mất do ốm đau. Việc đo đạc dựa trên cơ sở bình quân đầu người. New Delhi của Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nhất do ô nhiễm, mất khoảng 25.000 sinh mạng và 5,8% tổng GDP kể từ đầu năm đến nay.
Theo nghiên cứu, Thượng Hải đã chứng kiến khoảng 27.000 ca tử vong từ ngày 1/1, nhiều hơn so với 22.000 trường hợp tại Bắc Kinh. "Điều này cũng nhấn mạnh sự thật rằng ô nhiễm tại Thượng Hải giờ cũng tệ ngang với Bắc Kinh vì Bắc Kinh đã cải thiện nhanh hơn", Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính của CREA nói.
Theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc, nồng độ các hạt nhỏ trong không khí, gọi là PM2,5 ở Bắc Kinh trong nửa đầu năm cao hơn Thượng Hải. Tuy nhiên, Thượng Hải lại có tỷ lệ sulphur dioxide và nitrogen dioxide cao hơn. Đây là 2 thành phần chính khác của khói bụi.
Nhìn chung, khói bụi ở Trung Quốc vào năm 2020 đã giảm so với năm ngoái do phong tỏa vì dịch Covid-19 đã cắt giảm hoạt động công nghiệp và giao thông. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo những nỗ lực khôi phục nền kinh tế có thể khiến ô nhiễm khôi phục vào nửa năm còn lại.