Tin mới

Báo Canada: Trung Quốc có thể đã bí mật thiết lập ADIZ trên Biển Đông

Thứ năm, 11/12/2014, 10:34 (GMT+7)

Theo Trung tâm thông tin Kanwa, Bắc Kinh có thể đã thiết lập khu nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông mà không thông báo công khai để tránh sự phản đối từ các quốc gia khác.

Theo Trung tâm thông tin Kanwa, Bắc Kinh có thể đã thiết lập khu nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông mà không thông báo công khai để tránh sự phản đối từ các quốc gia khác.

Kanwa cho biết, chính phủ Trung Quốc đã có kế hoạch thiết lập hai vùng nhận dạng phòng không trên cả biển Hoa Đông và Biển Đông kể từ sau khi xảy ra sự cố tại đảo Hải Nam hồi năm 2001. Trong sự cố hồi tháng 4/2001, một máy bay trinh sát của Mỹ đã va chạm với tiêm kích đánh chặn J-8II của Trung Quốc khiến một phi công nước này thiệt mạng. Trung Quốc đã bắt giữ 24 thành viên phi hành đoàn của Mỹ để thẩm vấn, điều tra.

Hồi tháng Tám năm nay, máy bay săn ngầm P-8 của Hải quân Mỹ đã suýt bị máy bay chiến đấu J-11BH của Trung Quốc đâm trúng tại Biển Đông. Kanwa mô tả máy bay của Mỹ đã bị máy bay Trung Quốc "áp sát" trong khi tạo chí quốc phòng IHS Jane có trụ sở tại Anh thì cho rằng P-8 đã bị kẻ "hậu bối" J-11BH "quấy rối".

Những cảnh quay được Lầu Năm Góc công khai sau đó cho thấy máy bay Trung Quốc đã rẽ trái khoảng 10m ngay trước máy bay Mỹ, say đó lật sang một bên để "khoe" vũ khí.

Sự cố này xảy ra tại vùng trời thuộc Biển Đông, cách đảo Hải Nam khoảng 200 hải lý. Kanwa cho rằng Trung Quốc rất có thể đã thiết lập ADIZ tại khu vực này. Đó là lý do họ để chiến đấu cơ thị uy trước máy bay Mỹ khi đi vào không phận thuộc khu vực này.

Khi Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc đã trì hoãn việc thiết lập này để tránh sự phản đối từ các nước khác, đặc biệt là những quốc gia Đông Nam Á cũng có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Thực tế, việc thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông hồi năm 2013 vấp phải sự phản đối kịch liệt từ cộng đồng quốc tế cũng là một lý do khiến Bắc Kinh dè chừng hơn, theo Kanwa.

Ảnh chụp cuối tháng 6 cho thấy Trung Quốc tăng số lượng thiết bị và vật liệu xây dựng tại bãi đá Gạc Ma

Cuộc chạm trán trên không hồi tháng Tám cũng cho thấy rằng Trung Quốc đang cố gắng ngăn chặn các máy bay Mỹ đi vào vùng đặc quyền kinh tế mà họ tuyên bố. Sự xuất hiện của các máy bay Mỹ cũng gợi ý rằng, Washington rất quan tâm đến việc Trung Quốc triển khai các tàu ngầm hạt nhân tại vùng biển cách 200km về phía Đông Nam của Biển Đông. Theo Kanwa dự đoán, tần số máy bay Mỹ xuất hiện tại khu vực Biển Đông sẽ tăng lên trong tương lai.

Hải Nam là một căn cứ trọng yếu đối với PLA, nơi các máy bay chiến đấu J-11BH, JH-7 cũng như các tàu khu trục Type 052C và tàu chiến đổ bộ Type 071 đang đóng quân.

Một khía cạnh kỳ lạ của các vụ việc gần đây là các máy bay chiến đấu Trung Quốc không hề được triển khai từ căn cứ Lingshui mà đều từ căn cứ Jialai. Theo Kanwa, lý do rất có thể là vì tại căn cứ Lingshui chỉ có 15 máy bay chiến đấu J-8II nhưng tại Jialai lại có tới 24 máy bay chiến đấu J-11BH tiên tiến, loại có thể bám sát các máy bay của Mỹ trong thời gian lâu hơn. Hồi tháng Tám, chiếc J-11BH đã bám sát máy bay săn ngầm P-8 suốt chặng đường 380km.

Hồi tháng 9, Nhật báo The Philippine Star, xuất bản tại Manila, dẫn lời một số quan chức an ninh cao cấp của Philippines, lên tiếng báo động rằng các hoạt động cải tạo địa hình và xây dựng cơ sở trên các thực thể mà Bắc Kinh chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa là tín hiệu dự báo việc Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông.

Dẫn các nghiên cứu quân sự cũng như dữ liệu quan sát liên tục thu thập được, một quan chức an ninh cấp cao của Philippines hôm 29/9 đã xác định rằng việc Trung Quốc cải tạo và bồi đắp các rạn san hô đang tranh chấp trên Biển Đông là một phần trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm thiết lập ADIZ trong khu vực.

Phát biểu với nhật báo Philippines, quan chức này cảnh báo: “Trung Quốc chỉ còn chờ hoàn tất việc xây dựng các cơ sở hải quân và không quân trên các bãi mà Việt Nam gọi là Đá Gạc Ma, Đá Châu Viên, Đá Ga Ven… để tuyên bố một vùng phòng không tại Biển Đông, tương tự như những gì Bắc Kinh đã làm ở biển Hoa Đông”.

Cách đây hơn một năm, ngày 23/11/2013, Trung Quốc đã công bố Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) của nước này trên biển Hoa Đông khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ và lên án kịch liệt. Điều này cũng xác nhận sự sẵn sàng hành động đơn phương của Trung Quốc để thúc đẩy lợi ích riêng ở “sân trước” của mình. Và động thái này rất có thể lặp lại với Biển Đông.

 

Theo Yên Yên (Want China Times)

 

 

 

 

 

 

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news