Tính đến thời điểm hiện tại, công tác phòng và chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã thực sự được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Mới đây, những tờ báo uy tín như đài DW của Đức, Toàn cảnh Frankfurt (FAZ) cũng của Đức, hãng thông tấn EFE của Tây Ban Nha, tạp chí FT (Financial Times) của Anh đã có những bài viết về chiến lược chống dịch của Việt Nam.
Cụ thể, ngày 1/4, tờ FAZ đăng bài “Vietnams stiller Auftaktsieg über das Virus” (tạm dịch: Việt Nam yên lặng giành chiến thắng trước virus”) của tác giả Till Fähnders. Trong bài viết này, tác giả đã đánh giá các nguồn lực chống dịch của Việt Nam hạn chế hơn những nước và vùng lãnh thổ cùng khu vực rất nhiều. Tuy nhiên, chính sự phản ứng sớm, kịp thời và dứt điểm đã khiến Việt Nam phòng dịch hiệu quả. Theo bài báo, ngay từ giai đoạn đầu, Việt Nam đã đóng cửa trường học, siết chặt kiểm soát biên giới với Trung Quốc và tiến hành tìm kiếm những người tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp (F1, F2, F3...) với người nhiễm.
Chiến lược chống dịch Covid-19 của Việt Nam đến nay đã được thế giới ghi nhận.
Trước đó, đài DW (Deutsche Welle) của Đức cũng có một bài viết với nội dung tương tự đăng trên website của họ từ hôm 26/3. Mở đầu bài viết, bài báo đã đặt câu hỏi là làm thế nào một quốc gia có mật độ dân số đông, giáp Trung Quốc, hệ thống y tế không hiện đại, ngân sách eo hẹp lại có thể giữ được tỷ lệ nhiễm Covid-19 thấp như vậy? Những bài báo viết về chiến lược chống Covid-19 của Việt Nam đều chú ý tới những bất lợi và yếu thế của chúng ta.
DW cho rằng chính phủ Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch bệnh là vì áp dụng những biện pháp cách ly chặt chẽ và truy vết hoàn toàn những người có khả năng bị phơi nhiễm. Chúng ta thành công bởi chúng ta đã thực hiện những biện pháp quyết liệt một cách sớm, kịp thời. Bài viết đã nhắc đến việc Việt Nam phong tỏa xã Sơn Lôi hơn 10.000 dân trong vòng 3 tuần khi cả nước mới có 10 ca nhiễm được xác nhận. So với Việt Nam, các nước phương Tây đã có thiếu sót là chỉ ghi nhận người nhiễm và thế hệ F1.
Ngoài ra, DW còn đánh giá cao chiến dịch truyền thông của Việt Nam trong mùa dịch. Bài hát "Ghen Co Vy" và vũ điệu rửa tay đã quá nổi tiếng trên toàn thế giới là minh chứng rõ nhất cho chiến dịch này.
Hãng thông tấn EFE của Tây Ban Nha đã có cuộc trò chuyện với ông Park Ki Dong, đại diện của WHO tại Hà Nội và có được ý kiến của ông đối với công tác phòng, chống dịch của Việt Nam. Đại diện WHO cho biết Việt Nam đã có "sự chuẩn bị trong thời bình", kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm" và "các tiếp cận toàn xã hội dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ". Cả 3 yếu tố trên đã làm nên thành công của Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Ông Park cũng đánh giá cao sự nhìn nhận và chỉ đạo của chính phủ Việt Nam đối với đại dịch Covid-19 cũng như ý thức tuân thủ quy định của nhân dân ta.
Cũng như những tờ báo trên, tờ FT (Financial Times) không quên nhắc tới việc Bộ Y tế Việt Nam hàng ngày gửi tin nhắn tới cho tất cả người sử dụng điện thoại về thông tin dịch bệnh, hướng dẫn phòng tránh và các quy định cần tuân thủ trong mùa dịch. FT đưa tin về một khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy phần lớn người được hỏi tại Việt Nam có khả năng nhận thức cao về triệu chứng của Covid-19.
Không chỉ chống dịch, Việt Nam còn chống lan truyền tin giả, huy động toàn dân tham gia vào cuộc chiến này. Với khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc", cho đến nay, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về kết quả mà toàn đảng, toàn dân đã đạt được trong cuộc chiến chống Covid-19.
Trước những thành công cụ thể đó, tờ FAZ đã đặt câu hỏi mở về việc các nước phương Tây có nên học tập công thức chống dịch của Việt Nam.