(Tinmoi.vn) Tạp chí quốc phòng Foreign Policy của Mỹ cho rằng, việc gây hấn với Việt Nam ở Biển Đông khiến Trung Quốc đang tự phức tạp hóa mối quan hệ của mình với Nga và khiến các nước Đông Nam Á càng đoàn kết hơn.
Foreign Policy cho rằng những nỗ lực tăng cường kiểm soát trên biển của Trung Quốc sẽ khiến các quốc gia như Việt Nam và Philippines càng nâng cao quyết tâm đẩy lùi "người láng giềng khổng lồ" này.
Bên cạnh đó, động thái đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng khiến Trung Quốc phức tạp hóa mối quan hệ với một cường quốc khác là Nga - nước luôn muốn kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời xác lập lại vai trò ảnh hưởng của Nga tại đây.
Hình ảnh tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam
Theo Foreign Policy, Nga và Việt Nam vốn là những quốc gia có quan hệ thân thiết về mặt quốc phòng. Trong những năm qua, Nga đã "cần mẫn" gây dựng mối thân tình với Việt Nam như môt phần nỗ lực kiềm chế sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Nga dự kiến sẽ tài trợ và xây dựng lò phản ứng hạt nhân cho Việt Nam, thiết lập mối quan hệ năng lượng hạt nhân lâu dài giữa hai quốc gia.
Trong lĩnh vực quốc phòng, Moscow cũng đã giúp tăng cường sức mạnh cho Hải quân Việt Nam bằng thương vụ bán 6 tàu ngầm lớp Kilo hiện đại, nhiều tàu khu trục hải quân và đang cố gắng đạt thỏa thuận cung cấp tàu tại căn cứ vịnh Cam Ranh của Việt Nam. Moscow dự kiến sẽ xây dựng một trung tâm bảo trì, sửa chữa tàu và tàu ngầm Việt Nam tại vịnh Cam Ranh vào năm 2015
Ngoài ra, Nga cũng đã ký hợp đồng đóng nhiều loại tàu quân sự khác cho Việt Nam, chẳng hạn như 2 chiến hạm săn ngầm lớp Gepard-3.9 mang tên Đinh Tiên Hoàng (HQ-011) và Lý Thái Tổ (HQ-012).
Hành động hung hăng dùng đến cả tàu hải quân và tàu tuần duyên để che chắn cho giàn khoan HD-981 tại vùng biển Việt Nam của Trung Quốc cũng vấp nhiều chỉ trích, phản đối của một số quốc gia có vùng biển tranh chấp với Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á như: Philippines, Indonesia, Malaysia
Philippines đã tạo ra một tiền lệ chưa từng có hồi đầu năm 2014 khi đưa tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc ở biển Đông ra tòa án quốc tế.
Foreign Policy cũng đánh giá Việt Nam, một quốc gia vừa kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ rực rỡ đã kiên quyết, cứng rắn lên án và đưa ra cộng đồng quốc tế nhằm đẩy lùi những động thái "gây hấn" của Trung Quốc trong phạm vi lãnh thổ mình.
Các quốc gia khác trong khu vực, gồm Indonesia và Malaysia, cũng đã từ bỏ thái độ trung lập mà họ vẫn duy trì đối với các tranh chấp biển đảo ở biển Đông và lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc.
Các quan chức Indonesia gần đây thường công khai bày tỏ quan ngại về cách hành xử của Bắc Kinh ở biển Đông. Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg (Mỹ) ngày 7.4, ông Marty Natalegawa, Ngoại trưởng Indonesia, cho biết Indonesia muốn Trung Quốc giải thích về một bản đồ in trên hộ chiếu Trung Quốc có chứa những "tuyên bố chủ quyền" trên biển Đông.
Trong khi đó, hồi tháng 4, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng đã đưa ra tuyên bố chung nhấn mạnh rằng tất cả các quốc gia trên thế giới cần phải bảo vệ quyền tự do hàng hải và tránh dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển.
Ông Ely Ratner, một quan chức cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, cho rằng, kiểu hành xử hiếu chiến của Trung Quốc trong các tranh chấp chủ quyền với các quốc gia láng giềng ở biển Đông nhiều khả năng sẽ khiến nỗ lực nối lại quan hệ với Nga của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc "bắt nạt các nước châu Á sẽ làm hạn chế mức độ gần gũi trong quan hệ của nước này với Nga vì một số nước bị Bắc Kinh chèn ép lại có mối thân cận với Nga”.
Yên Yên (Theo Foreign Policy)