Có hay không việc Liên minh Tiêu dùng Việt Nam (Vietnet) “mượn danh đa cấp” và dùng chiến thuật “ruồi bâu” tạo ra các chương trình “nóng sốt nghìn độ” để tự người tiêu dùng “rán mỡ với nhau” thu lợi nhiều tỷ đồng cho công ty và những kẻ chộp giật?
Gọi là “bán hàng” nhưng không ai trong hệ thống Liên minh Tiêu dùng Việt Nam (Vietnet) quan tâm đến hàng mà chỉ lôi kéo dụ dỗ mọi người tham gia nhiều mã càng nhanh càng tốt. Mô hình của Vietnet không phải đa cấp chân chính mà có thể coi là “mượn danh” đa cấp để “đánh nhanh, thắng nhanh”. Hệ thống người tiêu dùng trực tiếp của Vietnet đã trở thành hệ thống lôi kéo dụ dỗ người tham gia mua hàng của công ty mà không cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm, giá trị thực, giá cả, thậm chí là đầu tư hàng chục triệu đồng mà chưa cần lấy sản phẩm để sử dụng hay để bán… mà chỉ có “tiền, tiền, và nhiều tiền”. Sơ đồ kinh doanh lôi kéo, lướt sóng
Liên minh Tiêu dùng Việt Nam (Vietnet) được thành lập theo Giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp (đăng ký lần đầu ngày 21/6/2013) do Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cấp với 03 mặt hàng được tổ chức bán hàng đa cấp là các thực phẩm chức năng Cordy A+, Calsoft và Angel do Công ty CP Tảo lục của Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên, hiện tại Vietnet phân phối rất nhiều mặt hàng theo hệ thống đa cấp, từ thẻ điện thoại, gạo, dầu gội đầu, máy sấy tóc,… cho đến máy tiêu huỷ rác, bảo hiểm ô tô xe máy,… không hề có trong danh mục cấp phép kinh doanh đa cấp. Đây có thể được coi là một hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp.
Theo Giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp (đăng ký lần đầu ngày 21/6/2013) do Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cấp với 03 mặt hàng được tổ chức bán hàng đa cấp là các TPCN Cordy A+, Calsoft và Angel do Công ty CP Tảo lục của Việt Nam sản xuất.
Công ty này sử dụng sơ đồ nhị phân (hai nhánh) để tổ chức quản lý cũng như trả hoa hồng, trả thưởng cho các cộng tác viên. Trên thế giới hiện nay, các công ty kinh doanh theo mạng thường sử dụng một trong 5 loại sơ đồ kinh doanh như sơ đồ tổng hợp, hàng ngang, bậc thang ly khai, ma trận và nhị phân. Hầu hết những công ty KDTM có tên tuổi, đã tạo dựng được thương hiệu lâu năm trên thế giới đều không sử dụng sơ đồ nhị phân. Mà thông thường, những công ty với mục đích kinh doanh lướt sóng, kinh doanh theo hình tháp bất hợp pháp hoặc theo hình tháp ảo lừa đảo (ví dụ như Diamond Holiday, Colony Invest và MB24 đã bị khởi tố ở Việt Nam đều sử dụng sơ đồ nhị phân; kể cả Công ty Agel Việt Nam, một công ty KDTM lớn của Mỹ sau ba năm phát triển rầm rộ đã phải rút khỏi thị trường Việt Nam cũng sử dụng sơ đồ này).
Sơ đồ trả thưởng này có rất nhiều lỗ hổng giúp những người muốn lướt sóng và làm ăn chộp giật lợi dụng để kiếm tiền bằng cách lôi kéo người vào tổ chức. Chính vì vậy mà không phải ngẫu nhiên các công ty đa cấp trá hình đều lựa chọn sử dụng sơ đồ kinh doanh này.
Sơ đồ nhị phân mà Vietnet sử dụng với những ngôn từ mỹ miều của các cộng tác viên, thậm chí là của Chủ tịch HĐQT Vietnet như “người đi trước giúp người đi sau bằng cách thả các mã xuống dưới chân người đi sau để người đi sau làm việc ít, chưa có kinh nghiệm, hoặc không phải làm việc sẽ vẫn có hệ thống, vẫn có tiền”. Các CTV của Vietnet thường xuyên “khuyên” người mới tham gia đầu tư ít nhất 3 mã để 2 mã “không phải làm việc mà sau này vẫn có tiền ”.
Cách trả hoa hồng của Vietnet là “khi hai chân đều đạt cân 100 mã bạn sẽ được 70 triệu. Đến đây bạn lại được hưởng 6 tháng lương cứng liên tiếp trị giá 3 triệu/tháng, rõ ràng không làm bạn cũng có ăn” - CTV tên là Tiến, sinh năm 1984, tích cực trình bày. Điểm “độc đáo” của Vietnet còn là “kể cả không cần mời được người mới thì bạn vẫn có thể có mã phía sau “rơi” vào vì cách nạp mã trên hệ thống tự động trên internet của công ty”. Cách mời chào này càng khiến cho người lười biếng nhưng hám lợi tự nguyện nộp tiền “nạp mã” vào Liên minh. Tuy nhiên, với cách trả hoa hồng cân hai chân (mỗi bên 100 mã) của Vietnet, phần lớn các CTV rất khó có thể cân 2 chân. Chính vì vậy, rất nhiều tiền do các CTV phát triển mạng lưới người tiêu dùng hoặc đầu tư mua hàng chảy vào túi Công ty và những “Thủ lĩnh mánh khóe”.
Những con thiêu thân
KDTM chân chính là một ngành kinh doanh hợp pháp đã có mặt trên thế giới 80 năm và du nhập vào Việt Nam từ cuối những năm 1990… Bản chất của KDTM chân chính, là nhà phân phối xây dựng hệ thống người tiêu dùng trực tiếp một cách vững chắc để sau này hệ thống tự vận hành, tự lan tỏa, ổn định, phát triển và tồn tại lâu dài. Mỗi nhà phân phối phải làm thành thạo được 3 việc: Bán hàng, tuyển dụng và đào tạo các nhà phân phối do mình trực tiếp hay gián tiếp tuyển dụng. Tuy nhiên, các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ và chứng kiến của phóng viên Health+ với những CTV của Vietnet cho thấy những hình ảnh hoàn toàn ngược lại. Với cách tổ chức phát triển mạng lưới CTV như Vietnet, toàn hệ thống CTV sao chép và quảng bá “sự lười biếng” bằng hai từ “giúp đỡ” và xúi giục “đầu tư”.
Nguyễn Anh Hùng, sinh năm 1983, quê Phú Thọ, đã lăn lộn qua các nghề khác nhau như đánh bắt cá ngoài khơi biển Vũng Tàu, nấu ăn nhà hàng, trước khi làm Vietnet. Hùng tham gia vào Vietnet với mục đích nhanh chóng có được số tiền lớn. Mới vào hơn một tháng, ban đầu Hùng bỏ ra hơn 20 triệu đầu tư 3 mã. Sau đó, thấy có được chút tiền và bị tuyến trên xúi giục đầu tư tiếp, Hùng đã đầu tư tiếp 3 mã với tổng số tiền trên 40 triệu đồng, hệ thống dưới Hùng một chân có hơn 30 mã và một chân có 7 mã, giới thiệu trực tiếp ra được 4 người nên tính tất cả các khoản thu về được 7 triệu. Hùng hy vọng 2 tháng tới sẽ thu về hơn 90 triệu để trả lãi vay nóng trước đó, nhưng nó mới chỉ dừng lại ở hai từ “hy vọng” còn 4 người khác theo Hùng có kiếm được tiền không?
Hợp đồng của một CTV (tạm giấu tên theo đề nghị), với thời hạn 1 năm
Một chi tiết đặc biệt là khi ký hợp đồng hợp tác bán hàng, Hùng chỉ vì tin bạn nên đã không đọc kỹ các điều khoản của Hợp đồng, khi được PV Health+ xem hợp đồng và nêu lên thắc mắc, Hùng mới giật mình khi đọc Điều 1 trong Hợp đồng hợp tác bán hàng mà Hùng đã ký với Công ty quy định rõ: “Thời gian hợp tác là 01 (một) năm. Kể từ ngày 12/3/2014 đến ngày 12/3/2015”. Vậy thì, theo như Vietnet hứa hẹn, đầu tư một mã được 30,5 triệu, 6 mã được trên 180 triệu từ “Con đường thịnh vượng” nhưng không biết bao giờ mới được nhận (sau 1 năm, 2 năm, 5 năm hoặc lâu hơn nữa, tuỳ vào tình hình “làm ăn” của công ty - như Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Chung trả lời PV sau đó). Vậy khi Hợp đồng đã ký hết hiệu lực mà chưa nhận được tiền thì hơn 40 triệu của Hùng sẽ về đâu và hệ thống người tiêu dùng do Hùng xây dựng sẽ chuyển cho ai? Bản thân Hùng cũng “ớ” ra và không trả lời được câu hỏi này.
Quyền, sinh năm 1985, trước làm nghề kinh doanh Bất động sản, tham gia CTV của Công ty từ tháng 9/2012 (thời điểm này công ty còn chưa có giấy phép kinh doanh đa cấp - PV) và đến nay lên mức Trưởng nhóm. Theo như nhân vật này khoe thì anh ta đã thu nhập được 1,1 tỷ đồng, trừ đi khoản đầu tư 40 mã thì anh đút túi 900 triệu đồng sau 1,5 năm. Vừa khoe anh ta vừa mở tài khoản thu nhập từ các mã trên hệ thống, có những mã đã thu nhập hơn 400 triệu đồng. Vợ Quyền, tên là Hồng, ngồi gần đó ăn mặc sang trọng không kém chồng mình mới trong một năm qua thu nhập được 300 triệu đồng. Trong lúc cao hứng Quyền nói cả mục đích của anh ta là đang phấn đấu đến tháng 6 này lên mức Trưởng nan để nhận thu nhập 400 - 500 triệu/tháng sẽ mua ô tô. Ai cũng khoe mình thu nhập cao dễ như rửa mặt trong vòng vài tháng và nhồi sọ người khác đến yếu tố tốc độ phải nhanh, nhanh hơn nữa. Vì vậy công việc của họ là giờ ra sức lôi kéo người khác tham gia mua mã để trở thành những người cũng nhiều tiền như họ.
Quyền cũng tiết lộ: Công ty hiện có 300 người thu nhập 30 – 50 triệu đồng/tháng, 50 người thu nhập 50 – 100 triệu/tháng, 5 người thu nhập 100 – 200 triệu/tháng và 1 người thu nhập trên 400 triệu. Một số người khác có thu nhập 6,8 – 68 triệu/tháng. Tuy nhiên, mạng lưới này đã có thể lên đến hàng chục ngàn người và số người chưa “thoát ra”, chưa nhận được gì, không biết bao giờ mới được nhận, chắc chắn là rất lớn.
Theo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang thì Công ty Cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam (Vietnet) đã tuân thủ quy định ký quỹ 1 tỷ đồng khi đăng ký kinh doanh bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, theo chia sẻ của một nhà KDTM có uy tín của Việt Nam: “Cách tổ chức kiểu nhị phân với một hệ thống gồm nhiều thủ lĩnh và CTV có tư duy lười biếng, lôi kéo, chộp giật và đầu tư kiểu “lướt sóng” thì khó có thể xây dựng và phát triển hệ thống lâu dài, bền vững. Nếu khi hệ thống sụp đổ, với 1 tỷ đồng Vietnet đã ký quỹ tại ngân hàng theo quy định của pháp luật, thử hỏi các CTV đã đầu tư hàng trăm triệu đồng, có người hàng tỷ đồng, sẽ ra sao?”
Bà Nguyễn Thị H., sinh năm 1949 ở Hà Nội cho biết: Ngày 26/12/2013, bà đầu tư lần đầu tiên 100 mã với 680 triệu đồng (mới lấy thực phẩm chức năng tổng trị giá khoảng 70 triệu đồng để về sử dụng). Bà đã được trả hoa hồng và thưởng hơn 400 triệu đồng, nhưng sau đó lại tiếp tục được “tuyến trên” ra sức lôi kéo nên đến ngày 24/2/2014 bà đầu tư tiếp 680 triệu đồng nữa (chưa lấy hàng) và đã thu về được hơn 200 triệu. Bà Hoa tính sau 1 năm bà sẽ lấy về 7,2 tỷ đồng, nhưng trên thực tế bà Hoa bỏ ra 1 tỷ 360 triệu đồng và mới thu về trên 600 triệu đồng. |
Theo healthplus.vn