Thay mặt Ban tổ chức lễ hội 'Giỗ Tổ sân khấu và ngày Sân khấu Việt Nam', nam danh hài cho biết, dù hiện tại tình hình dịch Covid-19 đã tạm thời được kiểm soát song với tinh thần 'phòng bệnh hơn chữa bệnh' và nhằm đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho cá nhân cũng như cộng đồng, anh quyết định không mở cửa đón khách đến nhà thờ Tổ nghề sân khấu trong dịp 12/8 Âm lịch này.
Nam danh hài mong giới nghệ sĩ và mọi người thông cảm về quyết định này của anh, đồng thời hẹn sẽ gặp lại mọi người vào dịp giỗ Tổ năm 2021.
Kể từ năm 2016, vào dịp Giỗ Tổ nghề sân khấu, cũng là ngày Sân khấu Việt Nam (ngày 12/8 Âm lịch), đền thờ Tâm linh Việt nằm trong nhà thờ Tổ nghề sân khấu do Hoài Linh xây dựng là một trong những địa điểm tề tựu rất đông nghệ sĩ ở khắp nơi về dâng hương, bày tỏ tình cảm 'uống nước nhớ nguồn' với Tổ nghề.
Nhà thờ Tổ do Danh hài Hoài Linh xây dựng từ tháng 9/2014 trên khu đất rộng 7.000 m2 tại phường Long Phước, quận 9, TP.HCM. Trải qua 2 năm xây dựng, công trình này được hoàn thiện và khánh thành vào tháng 9/2016. Đúng vào dịp Giỗ tổ nghề sân khấu năm đó, anh mới mở cửa để đồng nghiệp và người dân đến tham quan.
Để có được số tiền lớn xây dựng nhà thờ, danh hài Hoài Linh đã làm việc cật lực, chạy show ngày đêm có những lúc còn kiệt sức. Sau khi tâm nguyện được hoàn thành, nam nghệ sĩ quyết định "ở ẩn" một thời gian để nghỉ ngơi.
Theo một người em thân thiết với nam danh hài chia sẻ, mục đích mà Hoài Linh bỏ cả trăm tỷ để xây nhà thờ Tổ không phải để cho mình mà để cho các anh chị em nghệ sĩ. Sau này, nam danh hài sẽ để lại cơ ngơi này cho đời, cho đồng nghiệp mà không tính toán thiệt hơn. Mục đích cao cả của danh hài Hoài Linh khiến công chúng ngưỡng mộ, trầm trồ.
Tổng diện tích các công trình được cấp phép xây dựng gần 500 m2 gồm nhà thờ lớn rộng 197,2 m2; nhà sàn cao 2 tầng dành để tiếp khách có tổng diện tích hơn 290 m2. Tất cả đều được xây dựng bê tông cốt thép, gỗ, sàn gỗ, mái ngói và tường gạch.
Bên trong nhà thờ có nhiều hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh vi.
Cận cảnh vẻ uy nghi, lộng lẫy bên trong căn nhà thờ tổ của nghệ sĩ Hoài Linh.
Trong đền Tổ có 3 khu vực bàn thờ chính. Chính giữa là bàn thờ các vị tổ ngành, bên trái là để tri ân khán giả, bên phải để thờ cúng các nghệ sĩ quá cố và góc cùng để di ảnh của cố nghệ sĩ Kim Ngọc
Khu điện trang nghiêm và kính cẩn.
Bên hông nhà thờ chính với chóp ngói nhiều cặp rồng chầu. Những hàng cột chạy dọc hành lang bằng đá điêu khắc hình búp sen. NSƯT Hoài Linh vốn sống tâm linh nên toàn bộ cấu trúc đền thờ được anh bàn bạc, thảo luận kỹ lưỡng trước khi xây dựng.
Tại các lần tổ chức lễ giỗ Tổ nghề sân khấu trước đây, danh hài Hoài Linh đều thực hiện rất kỹ lưỡng và công phu, bao gồm cả lễ rước kiệu và các nghi thức dâng hương, cúng Tổ nghề.
Hòn non bộ làm bằng đá hoa cương do một cơ sở điêu khắc ở Quảng Nam chế tác đặt giữa hồ cá, phía trước là chữ Tâm, phía sau đặt chữ Đạo. Ảnh: Zingnews.vn
Tiểu cảnh núi đá, dòng suối, cây cầu cùng cây xanh được bố trí hài hòa, tạo cảm giác yên bình, thư giãn cho khách đến thăm quan. Ảnh: Zingnews.vn