Tin mới

Công nghiệp ô tô VN "phá sản": Ai chịu trách nhiệm?

Thứ sáu, 12/06/2015, 10:31 (GMT+7)

Liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ sau nhiều năm vẫn không phát triển, mới đây, trong buổi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều 11- 6, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm.

Liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ sau nhiều năm vẫn không phát triển, mới đây, trong buổi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều 11- 6, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm.

Trước câu hỏi của đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) về ngành công nghiệp ô tô dù đã tồn tại 20 năm nhưng đến nay nhưng công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển phải chăng là do thiếu Chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp hỗ trợ nên đã phá sản?

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã bắt đầu phần trả lời bằng việc nhận trách nhiệm trong việc chậm ban hành các văn bản chính sách để ngành công nghiệp hỗ trợ không thể phát triển trong thời gian qua.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trong phiên chất vấn

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Quyết định hồi tháng 12/2012 khuyến khích công nghiệp hỗ trợ, quyết định này phát huy còn hạn chế vì thế nên Chính Phủ đã chỉ đạo bộ Công Thương nghiên cứu lấy ý kiến rộng rãi của các bên liên quan và trình Chính phủ nhưng đến nay văn bản Dự thảo lần thứ 6 về hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ vẫn chưa được thông qua.

Bộ trưởng Hoàng cho biết thêm văn bản dự thảo lần thứ 6 hỗ trợ ngành CN phụ trợ chưa được thông qua. "Hiện nay Bộ cũng chưa tìm ra được cách hỗ trợ cho DN cũng như công cụ hỗ trợ hiệu quả", Bộ trưởng Hoàng thừa nhận.Thậm chí, việc có cần thiết có thêm luật riêng về công nghiệp hỗ trợ hay không cho thành phần doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang được bàn bạc xem xét.

Ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam vẫn chưa phát triển. Ảnh minh họa

Đặt vấn đề về việc Bộ trưởng nhận trách nhiệm tới đâu trong việc ban hành chính sách tạo điều kiện cho ngành công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, cũng như yêu cầu "cần biến việc nhận trách nhiệm thành hành động”, đại biểu Lê Trọng Sanh (TP.HCM) nêu thực trạng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô không thực hiện đúng lộ trình cam kết nội địa hóa sản phẩm thì sẽ xử lý thế nào?

Bộ trưởng Hoàng tỏ ra khá bế tắc trước câu hỏi này và cũng không đưa ra được giải pháp thỏa đáng về ngành sản xuất ô tô trong nước đang có nguy cơ sụp đổ,

Bộ trưởng Hoàng giải thích, do đây là quy định liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, và "trước hết phải yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các cam kết".  Tuy nhiên, có thực tế khi VN tham gia các hiệp định thương mại quốc tế, hoặc theo cam kết gia nhập Tổ chức thương mại thế giới thì yêu cầu nội địa hóa không còn nữa.

"Việt Nam một mặt đề nghị doanh nghiệp tiếp tục thực hiện, nếu có khó khăn thì phối hợp tháo gỡ. Nếu không thực hiện thì mới trao đổi với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, thậm chí có kiến nghị với Chính phủ để có biện pháp giải quyết phù hợp", Bộ trưởng Hoàng khẳng định.

Về việc Đại biểu đề nghị Bộ trưởng không nên hứa suông mà cần có một thời gian cụ thể để các chính sách liên quan đến ngành công nghiệp phụ trợ chính thức có hiệu lực, Bộ trưởng Công Thương nói: “Tôi xin lỗi vì đến nay vẫn chưa thể ban hành các văn bản hỗ trợ cho ngành công nghiệp phụ trợ. Đây là món nợ của tôi đối với ngành này. Tuy nhiên, như tôi đã trình bày ở trên việc ấn định thời gian, bao giờ chính thức có văn bản thì vượt ngoài thẩm quyền của tôi. Nhưng tôi sẽ cố gắng sớm nhất có thể”.

Công nghiệp phụ trợ ôtô Việt Nam bị đánh giá là dẫm chân tại chỗ. Sau 20 năm hoạt động, số doanh nghiệp sản xuất linh kiện không phát triển, tỷ lệ nội địa hoá chỉ đạt tới 5 – 10% và giới hạn vào các linh kiện kỹ thuật thô sơ như ắc quy, dây điện, các chi tiết nhựa đơn giản,... 

Nam Nam 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news