Tin mới

Bước đột phá của Trung Quốc trong năm 2015

Thứ ba, 09/02/2016, 18:33 (GMT+7)

Nới lỏng chính sách một con cũng như việc đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng là một trong nhiều thành quả của Trung Quốc trong năm 2015.

Nới lỏng Chính sách một con cũng như việc đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng là một trong nhiều thành quả của Trung Quốc trong năm 2015.

Trung Quốc từ bỏ “chính sách một con” và cách giải quyết về việc cấp hộ khẩu cho “công dân đen”

Từ bỏ “chính sách một con”:

Chính sách một con của Trung Quốc lần đầu tiên được áp dụng vào cuối những năm 1970 nhằm kìm hãm sự bùng nổ dân số ở đất nước. Kể từ khi thực hiện cho đến nay, chính sách một con đã dẫn đến kết quả là giảm khoảng 400 triệu người ở Trung Quốc và thành công trong việc kìm hãm sự bùng nổ dân số. Tuy nhiên, chính sách này cũng vấp phải nhiều chỉ trích cho rằng nó đã gây ra một số vấn đề xã hội, đặc biệt là nguy cơ dân số già và giảm lực lượng lao động. Theo số liệu chính thức từ năm 2014, Trung Quốc đã có hơn 212 triệu người trên 60 tuổi, 137 triệu người trên 65; tương ứng với chiếm 15,5 % và 10,1 % dân số.

Chính sách này sau đó đã được nới lỏng vào năm 2013, cho phép các đôi vợ chồng, trong đó có ít nhất một người là con một, được phép sinh con thứ hai. Ngày 29/10 vừa qua, chính quyền Trung Quốc thông báo sẽ cho phép tất cả các cặp vợ chồng có 2 con, và từ bỏ “chính sách một con” sau 2 thập kỷ tiến hành. Theo thông cáo đưa ra sau phiên họp của Hội nghị Trung ương 5 khóa 18 sự thay đổi của chính sách nhằm cân bằng sự phát triển dân số và giải quyết thách thức dân số già ở Trung Quốc.

Giải quyết vấn đề cấp hộ khẩu cho “công dân đen” và “cư dân hạng hai”:

Trong cuộc họp lần thứ 19 giữa các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc bàn về vấn đề cải cách ngày 9/12 vừa qua do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì, chính quyền nước này đã đưa ra cam kết cải thiện tình hình cho những người không có hộ khẩu và gặp khó khăn trong việc xin cấp hộ khẩu. Trước đây, hệ thống hộ khẩu, gắn kết quyền lợi chăm sóc y tế và lương hưu với nơi con người được sinh ra đáp ứng được nhu cầu đó. Khi không có hộ khẩu, người dân sẽ không thể đăng kí tham gia học tập, kết hôn, mở một tài khoản ngân hàng hay tham gia bảo hiểm y tế.

Hệ quả của chính sách một con tác động lên xã hội Trung Quốc.

Tân Hoa Xã cho biết, chính sách mới có thể mang lại lợi ích cho 13 triệu người thiếu hộ khẩu, trong đó phần lớn là những “công dân đen” (con thứ hai trong gia đình, được sinh ra trong thời gian Trung Quốc thực thi nghiêm ngặt chính sách một con). Ngoài ra, trẻ em mồ côi, người vô gia cư, và những người đánh mất hộ khẩu đều có thể được đăng kí.

Lợi ích từ việc cấp hộ khẩu:

Với việc mang lại quyền lợi cho những “đứa trẻ đen” và những người dân nhập cư tại thành phố, Bắc Kinh hi vọng “những công dân mới này” sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. Ông cho biết cuộc cải tổ này sẽ giúp người dân tự do đi lại và thành lập các doanh nghiệp trên toàn quốc. Điều này cũng sẽ giúp Bắc Kinh dễ dàng hơn trong việc giám sát công dân của mình. Hơn nữa, vì hộ khẩu gắn liền với quyền được hưởng phúc lợi xã hội, động thái mới này cũng đề cập đến kế hoạch tạo ra sự tiếp cận bình đẳng hơn đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng cách củng cố các chương trình bảo hiểm y tế nông thôn và thành thị. Mở rộng đăng ký hộ khẩu cũng nhằm thúc đẩy tỉ lệ sinh, một yếu tố quan trọng trong nỗ lực của chính phủ để giảm áp lực xã hội và giúp nền kinh tế tránh được những ảnh hưởng từ việc già hóa dân số nhanh chóng.

Chiến dịch chống tham nhũng:

Ông Tập khi nhậm chức đã từng tuyên bố: tham nhũng chính là vấn đề nghiêm trọng nhất mà đảng phải đối mặt. Bất chấp mục đích của Chủ tịch Tập là gì đi chăng nữa thì chiến dịch chống tham nhũng thực tế vẫn bao phủ một phạm vi rất rộng lớn. Đầu năm 2015, ông Tập tiếp tục triển khai chiến dịch "đả hổ đập ruồi", tiếp nối chiến dịch “săn cáo 2014”. Mọi quan chức lớn nhỏ ở Trung Quốc, từ bí thư thành ủy, trợ lý ngoại trưởng, thứ trưởng đến những “ông to” như giám đốc cơ quan an ninh nội bộ, Thượng tướng quân đội cũng không nằm ngoài “mẻ lưới” này. Theo tờ Xinhua cho biết, trung bình mỗi tháng có tới 10.000 cán bộ "bị điều tra".

Mục tiêu lớn nhất của chiến dịch tính đến thời điểm đầu năm 2015 là Chu Vĩnh Khang, người mà chỉ vài năm trước vẫn được coi là một trong số những nhân vật quyền lực và đáng sợ nhất Trung Quốc. Với tư cách giám đốc cơ quan an ninh nội bộ Trung Quốc, ủy viên thường trực Bộ Chính trị, ông Chu có khả năng thao túng một nguồn tiền lớn hơn cả ngân sách dành cho quân đội.

Tham nhũng là vấn đề quan trọng cần xóa bỏ.

Ông Chu đã bị bắt giữ để điều tra với các cáo buộc "tiết lộ bí mật quốc gia; lợi dụng quyền lực để giúp người thân, tình nhân và bạn bè thu những khoản lợi lớn từ hoạt động kinh doanh, gây tổn thất nặng nề đối với các tài sản của nhà nước; có quan hệ tình cảm với nhiều phụ nữ, trao đổi quyền lực lấy tình dục và tiền". Đến tháng 6 năm 2015, ông Chu Vĩnh Khang đã bị kết án tù chung thân, bị tước quyền chính trị suốt đời và bị tịch thu tài sản cá nhân với những tội danh trên. Một nhà chính trị của Đại học Trung Quốc của Hongkong cho rằng: “Bản án chung thân này nhẹ hơn phán đoán trước đó. Đa số cho rằng Chu phải lĩnh án tử hoặc án tử hình treo".

Cựu Phó tỉnh trưởng Tứ Xuyên Quách Vĩnh Tường, cựu Chủ nhiệm Ủy ban giám sát tài sản nhà nước Tưởng Khiết Mẫn, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh và các ông trùm có liên hệ mật thiết với Chu Vĩnh Khang cũng không thoát khỏi việc rơi vào “lưới” của Chủ tịch Tập.

Ngày 22/4, cơ quan giám sát chống tham nhũng của Trung Quốc đã công bố bản danh sách chi tiết 100 quan chức tị nạn mà Bắc Kinh muốn dẫn độ về nước. Đây là một phần trong chiến dịch “lưới trời”-chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ Trung Quốc tại nước ngoài.

Đến giữa năm 2015, xã hội Trung Quốc thêm một lần nữa “rúng động” khi chính phủ Tập Cận Bình quyết định kỷ luật khai trừ đảng tịch, cách chức Lệnh Kế Hoạch, chuyển vấn đề và manh mối phạm tội của ông ta cho cơ quan tư pháp xử lý theo pháp luật. Qua điều tra, Lệnh Kế Hoạch vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị, quy định chính trị, kỷ luật tổ chức, kỷ luật bảo mật; lợi dụng thuận lợi về chức vụ để mưu lợi cho nhiều người, bản thân và người nhà nhận hối lộ khoản tiền cực lớn; vi phạm kỷ cương pháp luật đoạt lấy nhiều cơ mật cốt lõi của Đảng và nhà nước; vi phạm nghiêm trọng quy định về liêm khiết, bản thân và vợ nhận tiền và vật của người khác, tạo điều kiện cho vợ hoạt động kinh doanh kiếm lợi; gian dâm với nhiều phụ nữ, tiến hành giao dịch quyền-sắc; chịu trách nhiệm lớn lao trong việc người thân lợi dụng ảnh hưởng chức vụ của mình để kiếm lợi phi pháp. Hành vi của Lệnh Kế Hoạch hoàn toàn đi ngược tính chất và tôn chỉ của Đảng, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, làm tổn hại rất lớn đến hình ảnh của Đảng, ảnh hưởng xã hội cực kỳ xấu xa”.

Lệnh Kế Hoạch được coi là đại quan tham trong “gia tộc tham nhũng”. Một nhân vật “sừng sỏ khác” đứng sau Lệnh Kế Hoạch chính là em trai út Lệnh Hoàn Thành. Một tờ báo Mỹ đã ví Lệnh Hoàn Thành là “Edward Snowden của Trung Quốc” vì ông này được cho là đang có trong tay những thông tin mật do ông anh trai tích lũy được trong 15 năm làm cựu chánh văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mà tình báo Mỹ rất thèm muốn. Theo tin của Duowei, ông Tập cũng sẵn sàng từ bỏ 600 triệu USD tiền thu hồi tài sản bất hợp pháp và nhận lại 25.000 người nhập cư trái phép vào Mỹ để đổi lấy việc “triệu hồi” Lệnh Hoàn Thành trở về nước.

Cuối năm 2015, Quách Quảng Xương, tỷ phú được ví như Warren Buffett của Trung Quốc bị cảnh sát giữ để phục vụ cho một cuộc điều tra tham nhũng. Quách, 48 tuổi, là người giàu thứ 17 Trung Quốc, với tài sản ròng khoảng 5,6 tỷ USD, theo Duowei. Ông này là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Tập đoàn Fosun mà ông đứng đầu tham gia vào nhiều lĩnh vực, trong đó có dược phẩm, bất động sản, khai mỏ và cả giải trí.

Cuộc chiến “đả hổ đập ruồi” tham nhũng cũng cho thấy, về hưu không còn được xem là “hạ cánh an toàn” đối với những quan chức tay đã nhúng chàm. Số liệu điều tra cho thấy, có khoảng 10 quan chức chính phủ đã nghỉ hưu vẫn bị lôi ra ánh sáng, trong đó đáng chú ý có người đã “hạ cánh” được 8 năm.

Một điểm đáng quan tâm khác trong chiến dịch “đả hổ” của Trung Quốc là thời điểm công bố điều tra rất đa dạng, từ sáng sớm tinh sương cho tới nửa đêm gà gáy và luôn khiến dư luận bất ngờ. Thậm chí có người sáng còn ngồi trên đoàn chủ tịch, chiều đã “mất tích”, hay tối hôm trước còn tham dự một cuộc họp quan trọng, sáng hôm sau đã bị bắt giữ.

Nghiêm Thu (Duowei)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news