Cá mái chèo - loài cá thon dài thường được tìm thấy ở dưới biển sâu và hiếm khi xuất hiện trước mắt con người. Tuy nhiên, mới đây, một con cá mái chèo dã dạt vào bãi biển Los Coquitos, tại Cộng hòa Dominica khiến người dân lo lắng. Loài vật này được cho là xuất hiện ngay trước thảm họa thiên nhiên.
Bãi biển nằm gần Khu vực đứt gãy trượt ngang Septentrional-Oriente. Vùng này từng gây ra trận động đất và sóng thần Cap-Haïtien năm 1842 ở nước láng giềng Haiti, khiến khoảng 5.300 người thiệt mạng. Con cá mái chèo dài 2 mét lần đầu tiên được người đi ngang qua phát hiện. Đáng buồn thay, nó đã chết sau đó.
“Đó là một loài cá biển sâu”, José Ramón Reyes, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên biển và ven biển Dominica thuộc Bộ Môi trường, nói với truyền thông địa phương. “Thật bất thường khi tìm thấy nó ở trên cạn”. Nhưng ông cố gắng trấn an công chúng và nói thêm: “Nó không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào, nó là loài cá thường sống ở dưới biển sâu”.
Tại sao cá mái chèo dạt vào bờ?
Cá mái chèo khổng lồ được cho là sống ở độ sâu khoảng 1.000 mét. Đây là loài cá có xương sống lâu nhất được biết đến, đạt chiều dài 17 mét và nặng tới 270 kg.
Trong tự nhiên, loài cá này rất dồi dào và ăn các sinh vật phù du nhỏ. Các nhà khoa học cho biết loài cá mái chèo khổng lồ, có thể được tìm thấy trên toàn thế giới ở tất cả các vùng biển nhiệt đới và ôn đới, dạt vào bờ khi gặp nạn hoặc sắp chết, hoặc sau những cơn bão hoặc dòng hải lưu mạnh.
Một báo cáo từ năm 2013 cho biết: “Cá biển sâu sống gần đáy biển nhạy cảm hơn với sự chuyển động của các đứt gãy đang hoạt động so với những loài ở gần bề mặt biển”. Theo Bảo tàng Úc, ở Úc đã có người nhìn thấy cá mái chèo ở Perth, Adelaide, Tasmania và dọc theo bờ biển của NSW, cũng như Brisbane.