Mới đây, Ngân hàng thế giới (WB) đã ra quyết định cấm cửa nhà thầu Louis Berger của Mỹ tham gia đấu thầu 1 năm do có hành vi hối lộ các quan chức tại Dự án Giao thông nông thôn 3 và Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng của Việt Nam.
Louis Berger là công ty phát triển và cơ sở hạ tầng toàn cầu, thành lập năm 1953 tại Mỹ, gồm 3 đơn vị - Louis Berger Group, Louis Berger International và Louis Berger Services. Hãng hiện có gần 6.000 kỹ sư, kiến trúc sư, nhà khoa học, kinh tế học tại hơn 100 văn phòng tại 57 quốc gia trên thế giới.
Louis Berger Group và Louis Berger International cung cấp dịch vụ tư vấn kiến trúc, xây dựng, quản trị dự án, lập kế hoạch môi trường và phát triển kinh tế - khoa học. Còn Louis Berger Services tập trung vào các dự án dạng chìa khóa trao tay (turnkey) trong lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ mặt đất, bảo dưỡng và logistics.
Tại Việt Nam, hãng có văn phòng tại quận Hải Châu (Đà Nẵng) và từng đặt văn phòng tại Hà Nội. Ngoài 2 dự án được World Bank nêu tên có sai phạm, là Giao thông Nông thôn 3 và Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên ở Đà Nẵng, hãng còn có 3 dự án khác là Cầu Rồng (Đà Nẵng), Đường hầm xuyên đèo Hải Vân và Dự án Lưu vực sông Hồng II.
2 dự án có dấu hiệu tham nhũng của Louis Berger
Dự án Giao thông nông thôn 3 còn được biết đến với cái tên Dự án GTNT3 hay WB3 do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án 5 (nay là Ban quản lý dự án 6) làm đại diện chủ đầu tư.
Dự án có tổng mức đầu tư là 167,51 triệu USD, trong đó, vốn vay của WB là 100 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của DFID là 25 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam là 42,65 triệu USD. Mục tiêu của Dự án là nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn tại 33 tỉnh phía Bắc và miền Trung với thời gian thực hiện là 5 năm (2007 – 2011). Tuy nhiên, do thời gian thi công kéo dài nên phải đến hết năm 2013, Dự án mới chính thức được hoàn thành, bao gồm thời gian thực hiện theo hiệp định gốc và hiệp định bổ sung.
Tại phần hiệp định gốc Dự án WB3, Louis Berger đóng vai trò tư vấn cố vấn, được tuyển chọn qua hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế theo phương thức dựa vào chất lượng và chi phí (QCBS). Tổng giá trị hợp đồng mà Louis Berger ký với Ban quản lý dự án 6 là 3,705 triệu USD (tương đương 53,5 tỷ đồng) trong thời gian 2008 – 2012. Giá trúng thầu này thấp hơn khoảng 1 triệu USD so với giá gói thầu được phê duyệt.
Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng là một dự án đa ngành nhằm đóng góp một phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch phát triển của thành phố giai đoạn 2006 - 2013 và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020. Tổng mức đầu tư 218,471 triệu USD; trong đó, vốn vay của Ngân hàng thế giới 152,438 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 66,033 triệu USD sẽ nâng cấp đô thị (52,6 triệu USD), cải thiện cơ sở hạ tầng môi trường (65,4 triệu USD), đường và cầu (96,2 triệu USD), tăng cường thể chế (4,2 triệu USD).
Bên cạnh đó, từ nguồn quỹ tín dụng nhỏ cải tạo nhà ở trị giá 1 triệu USD do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng quản lý, thực hiện theo cơ chế vay lại với lãi suất ưu đãi 4%/năm cũng đã giúp cho nhiều người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tính đến cuối tháng 6/2013, quỹ đã giải ngân gần 2.000 món vay với tổng số tiền 28,320 tỷ đồng, trong đó 1.792? món vay mục đích cải tạo nhà ở với số tiền 26,845 tỷ đồng.
Cùng với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các khu tái định cư, thu nhập thấp, dự án còn xây dựng nhiều công trình trọng điểm khác như cầu đường Nguyễn Tri Phương đi Hòa Quý với hơn 6,83 km, đường vành đai phía Nam (hơn 6,45 km).
Tại nhiều gói thầu nhỏ của dự án này, The Louis Berger Group tham gia với vai trò là tư vấn giám sát như gói thầu xây dựng cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông và cải tạo đường Võ Chí Công, công trình đường vành đai phía Nam thành phố Đà Nẵng…
Các dự án lớn khác của ông lớn Louis Berger
Ngoài 2 dự án được Ngân hàng Thế giới cho là có tham nhũng, Louis Berger còn thiết kế Cầu Rồng (Đà Nẵng), Đường hầm xuyên đèo Hải Vân và Dự án Lưu vực sông Hồng II.
Dự án cầu Rồng được quảng bá trên website của Louis Berger
Với dự án Cầu Rồng, Louis Berger và Ammann & Whitney tham gia với vai trò thiết kế. Công trình này sau đó đã được trao giải thưởng lớn (Grand Award) trong lễ trao Giải thưởng kỹ thuật xuất sắc Engineering Exellence Award (EEA) do ACEC tổ chức năm ngoái.
Tổng mức đầu tư xây dựng cầu Rồng là 1.498 tỷ đồng (tương đương 35 triệu USD) từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước với thời gian thực hiện từ năm 2009-2012. Tháng 3/2013, cầu được đưa vào khai thác.
Theo Vnexpress, Hầm Hải Vân có tổng vốn đầu tư 133 triệu USD từ nguồn vay Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), Khai trương tháng 6/2005.
Tại Hầm đường bộ Hải Vân, Louis Berger International liên danh với hãng Nippon Koei của Nhật Bản và Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải - TEDI của Việt Nam làm tư vấn quản lý dự án. 5 hạng mục công việc của liên danh tư vấn gồm khảo sát đặc biệt, thiết kế chi tiết, hỗ trợ đấu thầu, giám sát thi công, đào tạo và chuyển giao công nghệ.
Louis Berger giám sát xây dựng tại chỗ cho 4 trong 7 gói thầu. Trong đó có gói thầu phía nam với đường hầm chính, đường hầm thoát hiểm và các gói thầu liên quan đến cơ khí, hệ thống điện. Louis Berger còn cung cấp bản thiết kế về khả năng mở rộng đường hầm trong tương lai. Theo hãng, dự án Hầm đường bộ Hải Vân đã hoàn thành đúng hạn với chi phí trong ngân sách được cấp.
Louis Berger còn tham gia vào Dự án Lưu vực Sông Hồng II, được hỗ trợ bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chọn hãng này làm cơ quan giám sát hệ thống cải tạo tưới tiêu, chống lũ, thoát nước và bảo vệ lưu vực sông. Bên cạnh đó, họ còn tham gia đào tạo kỹ sư Việt Nam về công nghệ hiện đại; soạn thảo tài liệu về sử dụng nước, tưới tiêu và thoát nước; làm việc với các viện nghiên cứu về cơ hội cải thiện khả năng quản trị lưu vực sông; đồng thời giúp các hợp tác xã xây dựng hệ thống kênh mương, bơm nước, cầu cạn.
Nam Nam (Tổng hợp)