Tin mới

Cách bày mâm cỗ Trung thu truyền thống đẹp mắt nhất

Thứ ba, 03/10/2017, 12:53 (GMT+7)

Trong đêm Trung Thu, ngoài những chiếc đèn ông sao lấp lánh muôn màu thì mâm cỗ trung thu cũng là điều mà các em nhỏ háo hức mong chờ nhất. 

Trong đêm Trung Thu, ngoài những chiếc đèn ông sao lấp lánh muôn màu thì mâm cỗ trung thu cũng là điều mà các em nhỏ háo hức mong chờ nhất. 

Mâm cỗ Trung Thu

Ngoài bánh trung thu, đèn lồng, một mâm cỗ Trung Thu với nhiều loại hoa quả, bánh kẹo được bày biện cẩn thận, dâng lên bàn thờ tổ tiên cầu mong Bình An, may mắn là điều không thể thiếu. Tùy theo từng vùng, cách bày mâm cỗ Trung Thu sẽ có nhiều loại quả khác nhau, như: bưởi, na dai, hồng đỏ bóng, hồng ngâm, lựu, ổi, cam, mía tím, chuối tiêu, dưa hấu, quả thị, thanh long, nho, cốm… Tuy nhiên, dù bày loại quả nào, mâm quả Trung Thu muốn đẹp cần có nhiều màu sắc xen kẽ nhau. Chẳng hạn, bạn có thể bày quả màu lạnh: xanh, tím, đen, xen cùng các quả màu nóng: đỏ, vàng, cam.

Mâm cỗ Trung thu được làm từ các loại hoa quả rất bắt mắt.

Không chỉ màu sắc, bạn cũng nên chú ý đến ý nghĩa của từng loại quả. Trong quan niệm dân gian, quả hồng tượng trưng cho niềm hy vọng, trong khi quả na bày tỏ ước nguyện lộc ở và sự sinh sôi. Quả bưởi tượng trưng cho những điều tốt lành, lựu mang tới may mắn. Dưa hấu, dưa vàng thể hiện sự bình an.

Trong mâm cỗ Trung Thu hiện nay, được chú ý nhất là chú chó được làm bằng bưởi. Chú chó bằng bưởi trông vô cùng đáng yêu và giống y như thật sẽ làm cho mâm cỗ trở nên nổi bật. Bạn chỉ cần ưởi tách ra thành múi, bóc để các tép bưởi tỏa ra, đính xung quanh quả cam, khúc chuối làm thân chó bưởi, mắt được gắn thêm quả nho hoặc hạt đậu đen… rất sinh động. Cách làm này vô cùng nhanh chóng mà lại rất đẹp mắt.

Chú chó bưởi. 

Ngoài ra, bạn có thể tiếp tục thêm một số hoa quả được tỉa khéo léo, bánh trung thu và các loài hoa. Sau khi bày biện mâm cỗ Trung Thu ưng ý, cả gia đình sẽ ngồi quây quần đợi đến khi trăng lên tới đỉnh đầu để cùng phá cỗ trông trăng. Với người Việt Nam, quây quần bên mâm cỗ trung thu và có đầy đủ mọi thành viên của gia đình là một niềm hạnh phúc, sung túc ai cũng mong muốn có được ở gia đình.

 

Bánh nướng, bánh dẻo không thể thiếu được trong dịp tết Trung Thu.

Nơi đặt mâm cỗ Trung thu nên được bầy ở ngoài vườn. Nhưng do điều kiện sinh sống chật hẹp ở thành thị, cỗ thường được dọn ra trên sân thượng, ngoài hiên, hoặc gần cửa sổ để có thể ngắm được trăng. Khi trăng đã tỏ, thường là khoảng tám giờ tối, và sau khi người lớn đã cúng rằm xong, trẻ con bắt đầu phá cỗ. Và đối với trẻ con thì việc tranh chia những con giống bột từ bàn ngũ quả trong màn phá cỗ đêm Trung Thu là điều quan trọng không thua gì việc rước đèn, múa sư tử, hay nhâm nhi bánh trái của dịp lễ này.

Nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Tết trung thu

Tết Trung Thu tại Việt Nam không biết có tự bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích của ngày lễ rằm tháng Tám. Nhiều người cho rằng đây là một nét văn hóa du nhập từ Trung Quốc trong thời gian Việt Nam bị phương Bắc đô hộ. Nhà văn Toan Ánh trong quyển "Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam Quyển Hạ" cho rằng: Theo sách cổ thì Tết Trung Thu bắt đầu từ đời nhà Ðường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh.

Chuyện xưa kể rằng vua Đường Minh Hoàng (713-741 Tây Lịch) dạo chơi vườn Ngự Uyển vào đêm rằm tháng 8 âm lịch.

Trong đêm Trung thu, trăng rất tròn và trong sáng. Trời thật đẹp và không khí mát mẻ. Nhà vua đang thưởng thức cảnh đẹp thì gặp đạo sĩ La Công Viễn còn được gọi là Diệp Pháp Thiện. Đạo sĩ có phép tiên đưa nhà vua lên cung trăng.

Ở đấy, cảnh trí lại càng đẹp hơn. Nhà vua hân hoan thưởng thức cảnh tiên và du dương với âm thanh ánh sáng huyền diệu cùng các nàng tiên tha thướt trong những xiêm y đủ màu xinh tươi múa hát.

Nhiều người cho rằng Tết Trung thu là một nét văn hóa du nhập từ Trung Quốc trong thời gian Việt Nam bị phương Bắc đô hộ

Trong giờ phút tuyệt vời ấy nhà vua quên cả trời gần sáng. Đạo sĩ phải nhắc nhưng nhà vua vẫn đi về trong bần thần, luyến tiếc.

Về tới hoàng cung, nhà vua còn vấn vương cảnh tiên nên đã cho chế ra Khúc Nghê Thường Vũ Y và cứ đến đêm rằm tháng 8 lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng trong khi nhà vua cùng với Dương Quí Phi uống rượu dưới trăng ngắm đoàn cung nữ múa hát để kỷ niệm lần du nguyệt điện kỳ diệu của mình.

Kể từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc trong ngày rằm tháng tám đã trở thành phong tục của dân gian.

Ý nghĩa Tết Trung thu

Tết Trung thu của người Việt có nhiều điểm đặc biệt khác với Tết Trung thu của người Hoa.

Theo phong tục người Việt, bố mẹ bày cỗ cho các con để mừng Trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn.

Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, và các ân nhân khác.

Thật là dịp tốt để con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ và để người đời tỏ lòng săn sóc lẫn nhau.

Người Hoa hay tổ chức múa lân trong dịp Tết Nguyên đán. Người Việt lại đặc biệt tổ chức múa sư tử hay múa lân trong dịp Tết Trung thu.

Tết Trung thu mới đầu là tết của người lớn để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, ăn bánh, và uống trà ngắm trăng rằm vào giữa tiết Thu. Dần dần Tết Trung thu trở thành Tết trẻ em, nhưng người lớn cũng dự phần trong đó.

Trung thu cũng là dịp để con cháu tỏ lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ.

Các em có dịp vui chơi rước đèn, ca hát, phá cỗ do cha mẹ anh chị bày cho và nhất là có dịp ăn bánh kẹo thả cửa mà không sợ bị trách mắng.

Tết Trung thu là một phong tục rất có ý nghĩa. Đó là ý nghĩa của chăm sóc, của báo hiếu, của biết ơn, của tình thân hữu, của đoàn tụ, và của thương yêu. 

Giang Trần (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news