Tin mới

Cách khắc phục sự cố màn hình cảm ứng

Thứ năm, 05/03/2015, 09:21 (GMT+7)

Màn hình có lẽ là chi tiết quan trọng nhất của chiếc điện thoại. Cùng với trào lưu màn hình cảm ứng, rủi ro với chiếc màn hình điện thoại cũng tăng theo. Sau đây là một số sự cố có liên quan đến màn hình cũng như giải pháp khắc phục sự cố đó.

Màn hình có lẽ là chi tiết quan trọng nhất của chiếc điện thoại. Cùng với trào lưu màn hình cảm ứng, rủi ro với chiếc màn hình điện thoại cũng tăng theo. Sau đây là một số sự cố có liên quan đến màn hình cũng như giải pháp khắc phục sự cố đó.

Màn hình rung, giật hoặc mất tín hiệu

Có lẽ dòng máy nắp gập, nắp trượt thường gặp vấn đề với màn hình hơn cả. Nguyên nhân là, khác với màn hình trên dòng điện thoại dạng thanh, thiết kế hai mảnh rời buộc nhà sản xuất phải kéo dài cáp kết nối màn hình với bo mạnh chính, là một dạng cáp kết nối động. Theo thời gian sử dụng, cáp bị mất độ đàn hồi, gãy dây, khiến tín hiệu truyền từ bo mạch lên màn hình không được bảo đảm. Cũng không loại bỏ nguyên nhân đầu kết nối của cáp (còn gọi là socket màn hình) bị lỏng, làm mất tín hiệu điều khiển màn hình.

Thường, các sự cố có liên quan đến cáp biểu hiện khá rõ: màn hình bị rung, mất màu, giựt hình, và thậm chí là hoàn toàn không có tín hiệu, ánh sáng nào cả. Tuy nhiên, xét theo cấp độ hỏng hóc, đây là sự cố dễ khắc phục nhất và tốn phí rất thấp. Với sự cố này, không cần có kiến thức chuyên sâu, chỉ với một chút cẩn mỹ, khéo tay, bạn cũng có thể tự khắc phục.



Trước tiên, bạn có thể dùng vít để tách rời toàn chi tiết cấu thành chiếc điện thoại. Bạn sẽ dễ dàng tìm thấy cáp kết nối giữa màn hình với bo mạch chính. Bạn kiểm tra xem đầu cáp có vẫn được cắm chặt vào bo mạch hay không, kiểm tra xem ngay socket có bị hoen ố hay không? Nếu không, chắc chắn cáp của bạn có vấn đề, cần thay mới. Bạn có thể tìm mua loại cáp này ở các cửa hàng phân phối linh kiện sửa chữa điện thoại dọc đường Hùng Vương, Ba Tháng Hai… (TP.HCM). Khi đã có cáp mới, bạn chỉ cần lắp vào và kiểm tra xem chiếc màn hình đã làm việc bình thường hay chưa. Thường 90% sự cố màn hình ở dòng điện thoại nắp trượt, nắp gập đều được khắc phục bằng việc thay cáp màn hình như trên.

Đối với dòng điện thoại dạng thanh, không phải là chúng không gặp sự cố này. Tuy nhiên, thường sự cố dạng này ở điện thoại dạng thanh chỉ xảy ra khi bạn vô ý làm rơi rớt điện thoại. Khi đó, có thể socket màn hình bị lỏng, cản trở quá trình chuyển tín hiệu hiển thị từ bo mạch vào màn hình. Bạn chỉ cần tháo tách màn hình và cố định socket lại là được.

Ngoài ra, va chạm rất mạnh cũng có thể khiến các linh kiện bên trong bị bong tróc, là lỗi từ chính bo mạch. Với sự cố này, cách duy nhất là nhờ các kỹ thuật viên sửa chữa điện thoại hỗ trợ, khắc phục sự cố trên bo mạch.

Màn hình có đốm trắng

Có lẽ nhiều bạn đọc sẽ nghĩ ngay đến hiện tượng điểm chết từng xuất hiện trên màn hình. Đây cũng là bước kiểm tra rất cần thiết nếu bạn có nhu cầu mua một chiếc điện thoại đã qua sử dụng. Nhưng điểm chết là gì?

Có thể giải thích đơn giản như sau: màn hình, thật ra là một tổ hợp tập trung của rất nhiều điểm sáng. Các điểm sáng này có thể chuyển đổi thành nhiều màu sắc khác nhau. Tổ hợp các điểm sáng được điều khiển bởi bo mạch điện thoại này sẽ thể hiện thành hình ảnh, ký tự mà bạn thấy trên màn hình. Theo đó, điểm chết, chính là hiện tượng một điểm ảnh không thể đổi màu được nữa, mà chỉ thể hiện một màu sắc duy nhất. Thường các điểm ảnh bị chết này chỉ thể hiện màu trắng xanh, hoặc các màu tông sáng khác nhưng rất ít. Khi đó, để hiển thị ảnh có màu tối chẳng hạn, bạn sẽ thấy các điểm ảnh này hiện lên khác biệt khá rõ.



Hiện tượng điểm chết thường tự phát sinh trong quá trình sử dụng, do chất lượng linh kiện đã giảm theo thời gian. Trên lý thuyết, cũng không thể khắc phục, hoặc hạn chế được hiện tượng xuất hiện điểm chết trên màn hình. Tuy nhiên, không ít trường hợp người dùng có thể phục hồi điểm chết này bằng cách mát-xa cho màn hình. Cách làm khá đơn giản, bạn cần tháo vỏ, lớp kính bảo vệ màn hình để có thể tiếp xúc trực tiếp vào màn hình. Lúc này, ghi nhớ vị trí điểm ảnh bị chết, rồi tắt nguồn điện thoại. Dùng ngón tay miết nhẹ ngay khu vực điểm chết, sau đó nhấn giữ rồi bật nguồn điện thoại. Đợi cho màn hình sáng lên rồi từ từ thả ngón tay ra khỏi màn hình. Thực hiện như thế vài ba lần liên tục, có thể điểm ảnh đó sẽ được phục hồi.

Hiện tượng màn hình xuất hiện nhiều đốm trắng, nhưng chỉ thấy khi đứng trong bóng râm hoặc khi đèn màn hình tắt hẳn. Một số bạn hoài nghi rằng đó là điểm chết. Nhưng không, chắc chắn đó chỉ là phần bụi bám vào màn hình, mà dân kỹ thuật gọi là lọt bụi. Bạn nên biết rằng hầu hết điện thoại đều được nhà sản xuất thiết kế tránh bụi cho màn hình, bằng cách dán một vòng zoăng xốp xung quanh màn hình. Theo thời gian sử dụng, lớp zoăng này bị “xếp” không kín, nên bụi, mà thường là bụi vải của quần áo, dễ dàng lọt vào. Với hiện tượng này, bạn chỉ cần vệ sinh màn hình, và nếu có thể, thay lớp zoăng mới là hoàn toàn khắc phục được.

Hiện tượng loang dầu

Hiện tượng loang dầu thường chỉ xuất hiện khi màn hình bị bể, nứt hoặc chịu một tác động vật lý trực tiếp rất mạnh. Khi đó, lớp dầu giữa hai mặt kính của màn hình (gọi là tinh thể lỏng) bị xáo trộn. Với sự cố này, cách duy nhất để khắc phục là thay màn hình mới.

Còn có một hiện tượng khác là màn hình xuất hiện những vùng loang lổ sáng tối khác nhau. Nguyên nhân của sự cố này là do lớp nền màn hình bị hơi ẩm tấn công. Lúc này, ánh sáng từ đèn màn hình tỏa vào toàn bộ màn hình không đều, khiến màn hình gặp sự cố như trên.



Sự cố này thật ra không cần phải thay màn hình mà chỉ cần làm vệ sinh lại tấm nền màn hình là được. Tuy nhiên, do thiết kế màn hình rất mỏng, rất khó bóc tách nên kỹ thuật thực hiện tương đối khó. Nhưng nếu muốn, bạn có thể tự làm. Tháo màn hình ra khỏi điện thoại, bạn sẽ thấy có một tấm kim loại mỏng áp vào đáy màn hình. Dùng thanh kim loại mỏng để lẩy khớp khóa tấm kim loại nằm hai bên cạnh màn hình, rồi từ từ bóc tách tấm kim loại này ra. Bạn sẽ thấy hai tấm plastic màu trắng rất mỏng nằm giữa màn hình và tấm kim loại. Dùng khăn nỉ (loại dùng để lau kính mát) nhẹ nhàng vệ sinh hai tấm plastic này. Sau đó hong khô ngoài nắng để loại bỏ hoàn toàn hơi ẩm trên hai tấm plastic. Khi đã chắc chắn làm khô hai tấm plastic này, bạn ráp lại màn hình theo trình tự ngược lại. Sau đó ráp lại điện thoại như cũ.

Vết trầy xước trên bề mặt màn hình

Một số người dùng cảm thấy khó chịu vì bề mặt màn hình (không phải lớp kính bảo vệ) bị trầy xước, ảnh hưởng đến khả năng hiển thị của màn hình. Nếu vết trầy quá lớn, cách duy nhất là phải thay màn hình mới. Nhưng nếu vết trầy đó rất nhỏ, bạn cũng có thể khắc phục để sử dụng lại chiếc màn hình này.

Hiển thị hình ảnh chính là việc định hướng ánh sáng từ lớp nền đi vào mắt người dùng. Vết trầy xước này khiến tia sáng bị đổi hướng, làm cản trở khả năng hiển thị. Theo đó, giải pháp cho sự cố này là định hướng lại tia sáng. Bạn có thể sử dụng một ít lotion (mỹ phẩm dưỡng da) loại gel, bôi mỏng và xoa đều xung quanh vệt trầy. Lotion sẽ lấp vào vết lõm này, làm bằng mặt màn hình. Thực hiện cho đến khi vết trầy đó gần như mất hẳn. Hãy ráp lại điện thoại và nhìn thử xem, phải quan sát kỹ lắm thì bạn mới thấy vết trầy xước đó.

Đến đây, hẳn bạn đã phần nào biết được nguyên nhân và khắc phục các sự cố phổ biến của màn hình. Còn với dòng điện thoại màn hình cảm ứng, định nghĩa màn hình được nới rộng ra, sẽ gồm hai thành phần cấu thành: màn hình hiển thị và lớp cảm ứng bên trên.

Với loại màn hình cảm ứng này, ngoài các sự cố như trên, bạn sẽ gặp thêm các hiện tượng như mất cảm ứng, nứt lớp cảm ứng bên trên. Và với các sự cố này, bạn không cần thay màn hình mới mà chỉ cần thay lớp cảm ứng đó, bởi chúng là hai thành phần tách biệt hoàn toàn (duy chỉ có iPhone 2G là có lớp cảm ứng được dán chặt vào màn hình).

Với hiện tượng mất cảm ứng, kém nhạy, bạn cũng có thể thử khắc phục bằng cách format, khôi phục cài đặt gốc hay nâng cấp phần mềm cho máy.

Trang Vũ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news