Bức ảnh bé trai khoảng 1 tuổi được vớt lên từ Địa Trung Hải với đôi mắt nhắm nghiền, chân tay co lại trong tư thế nằm ngủ khiến người xem không cầm được nước mắt.
Hình ảnh em bé như đang ngủ trên tay người nhân viên cứu trợ một lần nữa báo động về cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu. Ảnh: Reuters |
Reuters cùng nhiều hãng truyền thông quốc tế đưa tin ngày 27/5, em bé được tổ chức nhân đạo Sea-Watch của Đức đưa lên từ biển Địa Trung Hải sau khi tàu di cư chở em bị lật úp. Đến ngày 29/5, có 45 thi thể đã được tàu hải quân Italia đưa về cảng Reggio Calabria, miền nam nước này. Có 135 sống sót sau thảm kịch lật tàu. Sang tới ngày 30/5 thì bức ảnh chụp em bé được một nhân viên cứu trợ bế trên tay được công bố nhằm thuyết phục giới chức châu Âu đảm bảo một con đường đi an toàn cho người di cư.
Trong một email, người nhân viên cứu hộ trong ảnh, tên Martin, kể lại mình đã nhìn thấy em bé trôi trên biển "như một con búp bê, với đôi tay vươn dài". "
"Tôi nắm lấy cánh tay bé, kéo nhẹ thân thể nhẹ bỗng đó vào vòng tay mình, như thể bé vẫn còn sống. Cánh tay với những ngón tay nhỏ xíu của bé giơ lên không trung, ánh mặt trời lấp lánh trong đôi mắt sáng ngời, thân thiện nhưng vô hồn của bé. Tôi bắt đầu hát để xoa dịu nỗi đau của chính mình và để diễn tả khoảnh khắc thắt tim ấy. Chỉ 6 tiếng trước thôi, đứa nhỏ vẫn còn sống", ông nói.
Ngay sau khi vụ việc diễn ra, thông tin về em bé này không nhiều. Đến ngày 1/6, nhà chức trách Italia mới cho biết em bé này có thể là một bé trai đến từ Somalia.
Hãng Reuters dẫn lời công tố viên TP Reggio Calabria cho biết chú của đứa bé đã xác nhận thông tin trên và cái tên của em chỉ được biết đến bằng 2 chữ cái viết tắt là ML. Trong vụ lật tàu này còn có một bé trai 2 tuổi chưa được nhận dạng và một bé gái 8 tháng tuổi người Somali. Mẹ cô bé cũng bị chết trong vụ lật tàu.
Chúng ta chưa thể quên được bức ảnh chụp cậu bé Aylan Kurdi, 3 tuổi, người Syria, trôi dạt trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2/9/2015. Bức ảnh đã gây chấn động thế giới, trở thành biểu tượng truyền đi thông điệp về nỗi đau chiến tranh và thảm họa nhập cư.
Bảo Linh (tổng hợp)