Số lượng người di cư chết hoặc mất tích trong năm 2016, tính đến ngày 17/11 đã lên đến 4.621.
Người di cư rơi xuống biển chờ được giải cứu. Ảnh: IBTimes |
Theo tổ chức Di trú Quốc tế (IOM), có ít nhất 4.000 trường hợp tử vong đã xảy ra trên tuyến đường di cư Địa Trung Hải, khởi hành chủ yếu từ Libya, đôi khi là Ai Cập, tới bờ biển Italy. Trong 3 ngày qua, có ít nhất 340 được cho là đã thiệt mạng tại Địa Trung Hải sau khi 3 con tàu bị đắm ngoài khơi bờ biển Libya.
Đây là con số cao kỷ lục và vẫn còn tiếp tục tăng lên trong 6 tuần tiếp theo cho tới hết năm nay. Số người di cư tử vong trong nửa đầu tháng 11 đã cao gấp 5 lần so với cả tháng 11/2015.
Trả lời phỏng vấn tờ IBTimes của Anh, phát ngôn viên của IOM, Flavio Di Giacomo cho biết vấn đề không phải là số lượng tài nguyên được sử dụng trong các hoạt động cứu hộ.
"Biển Địa Trung Hải chưa từng được tuần tra như năm nay", ông cho biết. Các tổ chức hoạt động tại vùng biển quốc tế từ Cảnh sát biển và Hải quân Italy cho tới Chiến dịch Triton do EU hậu thuẫn, cùng nhiều tổ chức phi chính phủ khác như Médecins Sans Frontières và Save the Children.
Ông Di Giacomo nói rằng vấn đề ở đây là sự bất ổn và bạo lực tại Libya. Những kẻ buôn người ở khu vực này ít phải đối mặt với rủi ro khi đưa người vượt đại dương.
Số lượng người tử vong khi di cư trên biển đạt con số kỷ lục đầu tiên vào năm 2014, với 3.279 người theo ghi nhận của IOM. Đến năm 2015, số người tử vong và mất tích đã lên đến 3.777.
Bảo Linh (IBTimes)