Trong tuyên bố mới nhất, cảnh sát trưởng Đông Java Nico Afinta cho biết: "Trong vụ việc, 127 người chết, hai trong số đó là cảnh sát. 34 người thiệt mạng trong sân vận động, những người còn lại mất trong bệnh viện".
Bộ trưởng thể thao Indonesia Zainudin Amali cho biết cơ quan chức năng sẽ đánh giá lại mức độ an toàn tại các trận đấu bóng đá và xem xét việc không cho phép khán giả vào sân.
""Chúng tôi rất tiếc vì sự cố này ... đây là vụ việc đáng tiếc đã 'làm tổn thương' bộ môn bóng đá của chúng ta vào thời điểm mà người hâm mộ có thể xem các trận đấu bóng đá từ sân vận động", ông Amali nói với đài Kompas. “Chúng tôi sẽ đánh giá kỹ lưỡng công tác tổ chức trận đấu và sự tham dự của các cổ động viên. Liệu chúng ta có quay trở lại việc cấm người hâm mộ tham dự các trận đấu không? Đó là những gì chúng tôi sẽ thảo luận”.
Trận đấu giữa Arema FC và Persebaya Surabaya diễn ra trên sân vận động Kanjuruhan. Sau khi Arema thua ngược 3-2 ngay trên sân nhà, hàng chục cổ động viên đã tràn vào sân. Tờ Times of Indonesia đưa tin rằng các nhân viên an ninh đã cố gắng ngăn cản đám đông bằng cách đánh và đá vào người hâm mộ.
Khi ẩu đả nổ ra, các nhà chức trách đã bắn nhiều loạt hơi cay lên sân và khán đài. Một video từ hiện trường cho thấy các cổ động viên chạy trốn khỏi những đám mây hơi cay trên sân.
Các hãng tin địa phương cho biết hàng nghìn người hâm mộ đã bị khó thở, một số người cuối cùng ngất xỉu. Các quan chức của Liên đoàn cho biết cuộc bạo loạn đã khiến một số người thiệt mạng, nhưng hiện chưa rõ số lượng bao nhiêu. Những báo cáo ban đầu từ sân vận động ước tính có hàng chục người chết, nhưng thông tin này không được xác nhận độc lập.
Liên đoàn ngay lập tức bị đình chỉ thi đấu ít nhất một tuần. Akhmad Hadian Lukita, chủ tịch PT Liga Indonesia Baru cho biết: "Chúng tôi quan ngại và vô cùng lấy làm tiếc về sự cố này. Xin chia buồn và hy vọng đây sẽ là một bài học đắt giá cho tất cả chúng ta".
Bạo lực bóng đá từ lâu đã trở thành vấn nạn của Indonesia. Những cuộc đối đầu bạo lực, gây thiệt hại về người giữa các đội bóng lớn là điều phổ biến. Một số đội bóng thậm chí còn có chỉ huy CLB người hâm mộ để dẫn dắt đám người này đến những trận đấu trên khắp Indonesia.
Cảnh tượng ném pháo sáng và hình ảnh cảnh sát chống bạo động cũng thường xuyên có mặt tại nhiều trận đấu. Kể từ những năm 1990, đã có hàng chục cổ động viên mất mạng vì bạo lực liên quan đến bóng đá. Sau trận đấu ngày 1/10, con số này lại tăng lên một lần nữa.
(Theo Straitstime)