Tổng thư ký Lê Hoài Anh khẳng định VFF đã đặt ra cột mốc ngày 15/5 là thời hạn chậm nhất để công bố danh tính tân HLV trưởng đội tuyển quốc gia cũng như U23 quốc gia. Hiện, công tác tuyển chọn đã đi đến những bước cuối cùng.
Trả lời phỏng vấn báo chí sau buổi gặp mặt chiều nay, 28/4, ông Lê Hoài Anh cho biết: "Sau khi HLV Hoàng Văn Phúc kết thúc hợp đồng với VFF, VFF đã có thông báo với các nhà môi giới HLV trên thế giới. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, các HLV đang không có công việc cũng bắt đầu liên hệ với VFF.
Marcel Desailly và Rajagopal không phải là ứng cử viên hàng đầu cho chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam
Chúng tôi đã có một danh sách tóm tắt các thành tích của các HLV muốn làm việc tại Việt Nam do các HLV tự đề xuất. Trên cơ sở đó, Hội đồng huấn luyện viên quốc gia đã xem xét và có một danh sách ngắn để tiến hành chọn lựa. Các công việc cuối cùng cho việc lựa chọn HLV đội tuyển quốc gia đã gần hoàn tất rồi".
Về phương án lựa chọn HLV người Nhật Bản như tuyên bố của Chủ tịch Lê Hùng Dũng, ông Lê Hoài Anh phân tích: "Chúng ta không đặt vấn đề cố định một quốc gia nào. Đương nhiên, chúng ta có sự ưu tiên với Nhật Bản. Trong quá trình đàm phán, VFF mở nhiều kênh khác nhau để thu nhận thông tin từ các HLV và các công ty môi giới. Do vậy, chúng ta có một danh sách khoảng 16 huấn luyện viên có rất nhiều quốc tịch. Như một số bạn đã biết, danh sách đó có Marcel Desailly (Pháp), Rajagopal (Malaysia)....
Chúng tôi cân nhắc trên nhiều yếu tố như năng lực chuyên môn, đủ điều kiện dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, đủ bằng cấp để đăng ký trong danh sách thi đấu tất cả các giải quốc tế và châu Á. Thứ hai, là điều kiện làm việc phải phù hợp với khả năng chi trả của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Chúng ta không thể chọn một HLV có tiếng nhưng đòi hỏi điều kiện quá cao.
Chủ tịch Lê Hùng Dũng cũng nói rất muốn chọn HLV Nhật Bản vì theo đánh giá của chúng tôi, Nhật Bản là nền bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu châu Á. J-League là giải đấu thành công nhất châu Á, họ đã chiếm được vị trí số một của môn bóng chày, môn từng được hâm mộ nhất ở Nhật Bản trước đây.
Nhưng hiện nay bóng đá mới là môn được xem qua truyền hình đông đảo. Chúng ta đều biết đội tuyển Việt Nam thi đấu với Nhật Bản lần nào cũng thua, ít nhất là 0-3 hay 0-4. Như đội U19 cũng thua 0-7 tại TP.HCM. Năng lực của các HLV Nhật Bản, khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật của họ ở trình độ rất cao. Yếu tố thứ ba được cân nhắc là sự tương đồng về văn hóa. Văn hóa Nhật Bản và Việt Nam rất gần gũi.
Chúng tôi đặt ra mốc 15/5, VFF sẽ cố gắng công bố huấn luyện viên tuyển quốc gia trước ngày đó"
Chí Lâm (ghi)