Tin mới

Châu Âu dần 'hé cửa' khi đại dịch giảm tốc từ từ

Thứ ba, 14/04/2020, 10:49 (GMT+7)

Trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19, Tây Ban Nha, Italy và Áo đã có những bước đi đầu tiên để trở lại trạng thái bình thường.

Châu Âu đã thực hiện những bước dự kiến đầu tiên để bình thường hóa vào ngày 13/4 khi một số nước mở cửa lại các doanh nghiệp. Một số quốc gia khác tuyên bố đang chuẩn bị nới lỏng những hạn Chế Phong tỏa trong vài ngày tới. Tây Ban Nha và Italy, 2 quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19 đã khởi động lại một số ngành công nghiệp. Đức đang xem xét mở cửa lại trường học từ 13/4.

Cảnh sát đeo khẩu trang tuần tra tại một khu chợ ở Áo. Ảnh: Getty

Hàng triệu công nhân Tây Ban Nha đã trở lại làm việc vào ngày hôm qua sau khi Madrid dỡ bỏ những hạn chế đối với các ngành không thiết yếu. Công nhân ngành xây dựng, dọn dẹp, nhà máy, các chủ thầu, nhân viên đóng tàu đã được phép trở lại làm việc khi cảnh sát phân phối hàng triệu khẩu trang tại các tàu điện ngầm, xe lửa, xe buýt của đất nước. Các ngành trên đã ngừng hoạt động 2 tuần trước khi đại dịch lên đến đỉnh điểm và khiến hơn 900 người tử vong mỗi ngày. Nhưng khi số ca nhiễm và tử vong mới đều giảm trong thời gian gần đây, Tây Ban Nha đã quyết định nới phong tỏa. Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết giãn cách xã hội và lệnh cấm du lịch không cần thiết sẽ vẫn được duy trì.

Cảnh sát Tây Ban Nha phát khẩu trang cho người đi tàu. Ảnh: EPA

Italy cũng bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường sau khi sự gia tăng số ca nhiễm mới giảm còn 2%. Số người chết  cũng giảm từ gần 1.000 ca/ngày xuống còn hơn 500 ca/ngày. Hôm nay, Italy cho phép mở cửa lại các cửa hàng không thiết yếu như hiệu sách, cửa hàng quần áo trẻ em. Các biện pháp giãn cách xã hội, cấm đi lại không cần thiết và đóng  cửa các ngành không thiết yếu vẫn được áp dụng.

Tại Pháp, tối qua, Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố việc phong tỏa sẽ còn kéo dài ít nhất đến 11/5. Phát biểu từ điện Elysee, ông Macron nhấn mạnh "hy vọng đang trở lại" khi tình hình được cải thiện tại một số khu vực. Ông cũng thừa nhận Pháp không sẵn sàng cho đại dịch này. Chính phủ đã thiếu găng tay, gel khử trùng và khẩu trang nhưng chính phủ đã bắt đầu kiểm soát được dịch. "Trong 4 tuần tới, các quy tắc do chính phủ đặt ra phải được tôn trọng. Chúng không được tăng cường hay nới lỏng".

Tổng thống Pháp tuyên bố lệnh phong tỏa sẽ được duy trì ít nhất đến 11/5. Ảnh: AP

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang chịu áp lực phải giảm bớt biện pháp phong tỏa. Các chuyên gia kêu gọi bà mở cửa lại trường học từ ngày 13/4 và mở lại các cửa hàng, nhà hàng nếu những biện pháp giãn cách xã hội được tuân thủ. Đức đã cố gắng kiềm chế tỷ lệ tử vong xuống còn hơn 2% do khả năng làm xét nghiệm vượt trội. Ngược lại, tỷ lệ này ở Italy là gần 13%.

Một số quốc gia châu Âu khác như Áo, Đan MạchCộng hòa Czech cũng chuẩn bị nới phong tỏa.

Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng các biện pháp hạn chế phải được dỡ bỏ dần dần khi virus "giảm tốc" từ từ.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news