(Tinmoi.vn) Hàng trăm thợ lặn dân sự, thợ lặn thuộc cảnh sát biển và hải quân đang đặt cược tính mạng của họ giữa điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nguy hiểm, nhằm tìm kiếm những hành khách mất tích trong vụ chìm phà Sewol sáng ngày 16/4.
Hàng trăm thợ lặn đang đánh cược mạng sống của mình trong điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt
Cuối ngày 19/4, các thợ lặn đã thành công trong việc thâm nhập vào bên trong phà Sewol sau 4 ngày nỗ lực thất bại trước đó.
Những thợ lặn cứu hộ đang thực hiện nhiệm vụ vô cùng khó khăn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, họ chấp nhận đánh cược mạng sống của mình với hi vọng tìm kiếm người sống sót bên trong phà. Chỉ một phút bất cẩn, họ sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Khu vực chìm phà là nơi có dòng chảy mạnh thứ 2 tại vùng biển Hàn Quốc
Đáng trân trọng hơn, nhiều thợ lặn dân sự tham gia vào cuộc tìm kiếm này xem các nạn nhân như người thân trong gia đình và mạo hiểm trong các nỗ lực tìm kiếm, cứu hộ.
"Tôi cũng là một người cha, tôi hiểu những bậc cha mẹ mất con đang phải trải qua thảm kịch khủng khiếp này như thế nào, vì vậy, tôi tình nguyện tham gia tìm kiếm", thợ lặn dân sự Kang In-kyoo chia sẻ.
Mặc những cống hiến quên mình của những "người hùng vô danh" này, điều kiện thời tiết những ngày qua liên tục làm khó họ.
Điều kiện thời tiết tiếp tục là rào cản lực lượng cứu hộ
Ông Chung Woon-chae, cựu đô đốc hải quân của Ship Salvage Unit cho biết điều kiện thời tiết xấu, nhiệt độ nước biển thấp, tầm nhìn hạn chế, những con sóng dữ cùng độ ngập sâu dưới nước của phà là những rào cản lớn nhất.
"Tôi hiểu gia đình các nạn nhân đang gục ngã và thất vọng vì những nỗ lực cứu hộ chậm nhưng tôi tin rằng họ đang làm tốt nhất có thể", ông Chung nói.
Khu vực phà Sewol bị chìm là nơi có dòng chảy mạnh thứ hai tại vùng biển Hàn Quốc. Từ năm 2002 đến nay, đã có 58 vụ tai nạn xảy ra tại đây. Tốc độ dòng chảy tại khu vực này vào khoảng 11km mỗi giờ, gấp 2 lần so với mức an toàn đối với thợ lặn.
Ông Shin Hang-sub, một cựu thuyền trưởng tàu tuần tra cho biết: "Ngay cả các tàu quân sự cũng phải tránh đi vào khu vực này".
Tầm nhìn hạn chế dưới nước gây khó khăn cho công tác tìm kiếm và đe dọa sự an toàn của lực lượng cứu hộ
Tầm nhìn hạn chế cũng là một trong những khó khăn mà lực lượng cứu hộ phải đối mặt. Sau nhiều nỗ lực thâm nhập bên trong phà, các thợ lặn Hàn Quốc mô tả khung cảnh hiện tại trong phà như một mê cung, họ không thể nhìn thấy bàn tay hay những vật ngay trước mắt. Tầm nhìn kém cũng cản trở các nhân viên cứu hộ tìm kiếm trong phà, đặc biệt là những vật thể di chuyển trong nước như máy bán hàng tự động, đồ vật...
Một trở ngại lớn là độ sâu dưới nước của chiếc phà bị chìm. Trưa ngày 18/4, phà Sewol đã ngập hoàn toàn trong nước. Chiếc phà được cho là đạt được độ sâu khoảng 37m tại nơi sâu nhất của nó, cao hơn so với mức độ nguy hiểm chỉ 3m.
"Đó là một nhiệm vụ khó khăn ngay cả đối với các thợ lặn kỳ cựu với độ sâu 37m dưới nước . Đối với các thợ lặn kì cựu, thời gian hoạt động tối đa là 90 phút", ông Chung nói.
Tính đến ngày 20/4, đã có tới 563 thợ lặn tham gia tìm kiếm, cứu hộ
Đến ngày 20/4, số thợ lặn tham gia tìm kiếm bên trong và xung quanh phà đã lên tới 563 người. Hải quân và cảnh sát biển cũng tiến hành bơm oxy vào phà để giúp những người có khả năng còn sống sót trong các túi khí.
Chính phủ Hàn Quốc cũng hết sức lo ngại về sự an toàn cho những người tham gia tìm kiếm. Đã có 3 thợ lặn bị nước biển cuốn trôi trong khi tham gia tìm kiếm, cứu nạn phà Sewol nhưng rất may mắn, họ đã được các thuyền đánh cá cứu sống.
Có nhiều lo ngại về sự an toàn của những thợ lặn
Trong năm 2010, một thợ lặn kỳ cựu từng phục vụ trong Hải quân hơn 30 năm đã chết trong khi tham gia hoạt động cứu hộ tàu Cheonan nặng 1.200 tấn.
Ông Kang, thợ lặn dân sự tham gia tìm kiếm tiếp tục bày tỏ: "An toàn không phải vấn đề quan trọng nhất trong tình hình lúc này. Rõ ràng, mục tiêu quan trọng nhất của cuộc tìm kiếm là không để sót lại dù chỉ một người trên biển".
Yên Yên (Theo Yonhap)