Tin mới

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: 'Xem xét để môn lịch sử là môn bắt buộc'

Thứ tư, 11/05/2022, 19:31 (GMT+7)

Theo ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, nên điều chỉnh về mặt kỹ thuật để môn lịch sử là "môn tự chọn bắt buộc"

Theo tin tức từ Tuổi Trẻ, Thanh Niên, chiều ngày 11/5,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Trong dự thảo báo cáo do Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày cho biết, vấn đề môn lịch sử trở thành môn học tự chọn ở bậc THPT là một trong 5 vấn đề cử tri, nhân dân còn "trăn trở, băn khoăn, lo lắng". 

Ảnh internet
Ảnh internet

Ông Chiến nêu ra rằng dư luận xã hội có ý kiến trái chiều về việc đưa môn lịch sử là môn học tự chọn ở bậc trung học phổ thông có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường. Đưa dẫn chứng thực tế, ông Chiến cho biết có một số nước phát triển, nền văn hóa tương đồng với Việt Nam (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã đưa trở lại hoặc vẫn duy trì môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông.

Do đó, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo xem xét một cách thận trọng, đánh giá khách quan, toàn diện chương trình cải cách giáo dục phổ thông, nhất là việc đưa môn lịch sử ở bậc THPT là môn học tự chọn.

Ông Chiến nói thêm rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn "dân ta phải biết sử ta/cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" nên ông đề nghị cần đổi mới cách dạy và học như thế nào để nâng cao chất lượng chứ không nên để môn lịch sử là môn học tự chọn.

Sáng cùng ngày, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết ủy ban đã nghiên cứu và tổ chức tọa đàm với chuyên gia, đại diện một số cơ quan về vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh TNO
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh TNO

Theo đó, sơ bộ ý kiến của các chuyên gia thấy rằng về tính cần thiết, môn học lịch sử nên xem xét là một môn học đặc thù, môn học đặc biệt quan trọng và theo hướng là môn bắt buộc. Đồng thời, về mặt kỹ thuật có thể giải quyết được, không có vấn đề gì khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nói rằng  sau khi có ý kiến về giá sách giáo khoa, môn tự chọn, môn tổ hợp... thì Bộ Giáo dục - Đào tạo đã tiếp thu để chỉnh lại cụ thể cũng như báo cáo Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền.

Được biết, chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định, bậc THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Từ lớp 10, học sinh sẽ học các môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương.

Ngoài các môn học bắt buộc, học sinh sẽ lựa chọn 5 môn học từ 3 nhóm cụ thể: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Theo đó, các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập để đáp ứng nhu cầu người học vừa đảm bảo phù hợp điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các nhà trường.

Tuy nhiên, trước khi Bộ GD&ĐT ban hành chương trình GDPT mới, dư luận đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận nảy lửa về việc đưa bộ môn Lịch sử vào nhóm môn tự chọn. Nhiều ý kiến cho rằng, lâu nay học sinh vốn lười học Lịch sử hay buộc phải học để nhằm mục đích thi cử. Nếu giờ đây, chương trình mới áp phương thức lựa chọn, liệu sẽ có bao nhiêu em chọn bộ môn này để theo học. Giả thiết không có học sinh chọn Lịch sử hay rất ít em chọn liệu môn học này có bị xóa sổ một lần nữa được đặt ra. 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: giáo dục