Theo đó, chuyến bay đầu tiền của chuyên cơ bầu Đức là chở các cựu chiến binh tỉnh Gia Lai (cựu tù chính trị nhà tù Côn Đảo) đi thăm nhà tù Côn Đảo.
Thông tin trên báo Tuổi trẻ, ông Võ Trường Sơn - quyền tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - cho biết chuyên cơ xuất phát tại sân bay Pleiku lúc 9h sáng 9/3 và bay về Pleiku ngày 11/3.
Đoàn cựu chiến binh gồm 12 người kèm một bác sĩ đi cùng được chở trên chuyên cơ riêng mang số hiệu N898JS của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Hình ảnh chuyên cơ mới trong chuyến đi Côn Đảo của bầu Đức. Ảnh: Tuoitre.vn
Theo ông Trần Đình Hiệp, phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, nhân dịp kỷ niệm Ngày giải phóng tỉnh Gia Lai (20/3) và lễ 30/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đề xuất Tỉnh ủy tổ chức đoàn cựu chiến binh thăm lại nơi đã nhiều người đã từng bị giam cầm dưới sự hỗ trợ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Toàn bộ kinh phí đi lại, nghỉ dưỡng của chuyến đi đều do tập đoàn hỗ trợ.
Trước đó, câu chuyện đổi máy bay của bầu Đức đã gây xôn xao dư luận trong những ngày đầu năm 2015. Theo đó, thông tin bầu Đức mua mới chiếc phản lực Legacy 600 trị giá 600 tỉ đồng thay cho chiếc Beechcraft King Air 350 quen thuộc đã khiến dư luận không khỏi choáng về độ giàu có của đại gia này.
Hiện bầu Đức hiện chưa công bố chính thức về việc đổi máy bay, song một nguồn tin thân cận với ông cho biết chiếc Legacy 600 đã thường xuyên được ông Đức dùng để di chuyển trong thời gian gần đây.
Hình ảnh bên trong chiếc máy bay. Ảnh: Tuổi trẻ
Nguồn tin thân cận khẳng định Bầu Đức sở hữu máy bay nêu trên, sử dụng thay thế cho phương tiện cũ. Do các vấn đề về sở hữu và quản lý phương tiện bay cá nhân tại Việt Nam, việc đưa phi cơ về nước được thông qua một công ty dịch vụ bay, cá nhân sử dụng có thể thông qua cơ chế thuê lại.
Về nguồn gốc chiếc Legacy 600, nguồn tin trên cho biết máy bay này thực tế đã được vị doanh nhân đặt mua từ năm 2010, thiết kế nội thất đặt riêng và theo kế hoạch chậm nhất sẽ nhận phi cơ vào 2012. "Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay chiếc máy bay mới sẵn sàng sử dụng, trễ khoảng 3 năm so với dự kiến".
Cũng theo vị này, việc đổi phương tiện là nhằm phục vụ nhu cầu công việc của Bầu Đức. Khác với Beechcraft King Air 350, chiếc Legacy 600 có tầm bay xa hơn, giúp doanh nhân này tới được các thị trường mới mà ông đầu tư. Đây là loại phản lực tầm trung dành cho thương gia, có thể chở 13 người, buồng lái có 3 chỗ dành cho phi hành đoàn, thân dài 26,33 m, sải cánh 21,17 m, vận tốc cực đại 834 km mỗi giờ.
Trên trang Controller.com, từ đầu tháng 2/2015 đến nay, dòng máy bay Legacy 600 đã qua sử dụng đang được chào bán với nhiều mức giá khác nhau, dao động khoảng 6,5-12,9 triệu USD một chiếc tùy theo đời (cũ hay mới) và số giờ bay. Legacy 600 cũng đã được giới thiệu ở Việt Nam năm 2010 với giá chào khoảng 27,5 triệu USD.
Năm 2008, ông chủ đội bóng Hoàng Anh Gia Lai từng là người đầu tiên tại Việt Nam sở hữu máy bay riêng. Ông Đức mua chiếc máy bay 12 chỗ Beechcraft King Air 350, số seri FL-417 do hãng Raytheon Aircraft (Mỹ) sản xuất, giá khoảng 7 triệu USD. Thời điểm đó mức thuế giá trị gia tăng Bầu Đức phải nộp cho chiếc máy bay đầu tiên của ông là 4 tỷ đồng.
Nam Nam