Trước đó trên MXH chiều 5/3, kênh YouTube có tên A.T.T.M do 2 anh em Tam Mao TV quản lý đã đăng tải một clip với tựa đề: “Thần điêu xào xả ớt”.
Thông tin con chim bị 2 anh em Tam Mao TV làm thịt là giống chim quý có tên Diều hoa Miến Điện. Ảnh chụp màn hình.
Theo nội dung clip, 2 anh em Tam Mao được một fan (người hâm mộ) tặng một con chim, giống với loài diều hâu. Sau khi cho ăn một con chuột chết nhặt ngoài đồng, con chim này cũng chết. Hai anh em Tam Mao làm thịt con chim, xào xả ớt và đăng lên YouTube. Clip nhanh chóng thu hút hàng triệu lượt xem chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Nhiều thông tin chia sẻ trên MXH con chim mà 2 anh em Tam Mao làm thịt là giống chim quý có tên Diều Hoa Miến Điện. Đây là giống chim này nằm trong sách đỏ được nhà Nước cấm săn bắn, nuôi nhốt, giết thịt. Hiện tại, clip này đã bị xóa khỏi youtobe.
Hình ảnh con chim bị giết thịt.
Được biết, AT.T.M (1,6 triệu người đăng ký) là kênh YouTube thu hút rất nhiều người xem hiện nay do 2 anh em Tam Mao quản lý. Người có biệt danh "Mao Đại Ca" tên thật Lê Mạnh Cường (SN 1991) còn "Mao Đệ Đệ" tên thật Nguyễn Văn Dũng (SN 2000), hai anh em Tam Mao trú ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Trao đổi với Gia đình Việt Nam, ông Bùi Văn Quân – Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết, 2 anh em Tam Mao là người của địa phương. Chính quyền xã đã nhận được thông tin 2 anh em này làm thịt con chim đăng tải lên youtobe và sẽ sớm cho người xác minh sự việc.
"Hiện giờ vẫn chưa biết con chim mà 2 anh em Tam Mao thịt có phải giống chim quý hay không. Công an xã sẽ vào cuộc và nhờ bên kiểm lâm huyện Ba Vì tìm hiểu nguồn gốc" - ông Quân cho biết.
Nhiều người cho rằng 2 anh em Tam Mao đã làm thịt con chim quý nằm trong sách đỏ.
Diều hoa Miến Điện có tên khoa học Spilornis cheela. Đặc điểm nhận dạng của loài này, phần phía trên cơ thể và cánh có màu nâu đậm, đặc biệt dưới cánh có nhiều chấm trắng trải dài. Chân và da trên mặt có màu vàng.
Diều hoa Miến Điện thuộc Nhóm IIB bao gồm: các loài bị đe dọa và quý hiếm. Các chương trình với mục đích nghiên cứu khoa học, bảo tồn và khai thác thương mại các loài này yêu cầu phải có giấy phép.