Tin mới

Cuộc đời tu hành của thiền sư Thích Nhất Hạnh qua ảnh 

Thứ bảy, 22/01/2022, 13:18 (GMT+7)

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn không chỉ ở Việt Nam mà cả phương Tây.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 (năm Bính Dần) ở một làng quê tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thiền sư là con kế út trong một gia đình có sáu anh chị em. Đến năm 1942, ông xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu với thiền sư Thanh Quý Chân Thật và được ban pháp danh Trừng Quang.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh lúc 16 tuổi ở Huế, sau khi ngài quy y
Thiền sư Thích Nhất Hạnh lúc 16 tuổi ở Huế, sau khi ngài quy y

Ông tốt nghiệp viện Phật học Bảo Quốc sau đó tu thiền theo trường phái Đại thừa của Phật giáo và chính thức trở thành nhà sư năm 25 tuổi. Trong suốt cuộc đời tu tập của mình, thiền sư đã có nhiều cống hiến cho đời và đặc biệt tích cực trong việc thúc đẩy hòa bình.

Thích Nhất Hạnh khi là một nhà sư trẻ (hàng sau, phía bên phải), năm 1950. Ảnh: Plum Village Community of Engaged Buddhism
Thích Nhất Hạnh khi là một nhà sư trẻ (hàng sau, phía bên phải), năm 1950. Ảnh: Plum Village Community of Engaged Buddhism

Tháng 6/1965, Thiền sư đã viết thư cho nhà hoạt động nổi tiếng Mỹ Martin Luther King Jr. để kêu gọi ông công khai chống lại Chiến tranh ở Việt Nam. Một năm sau đó, cả hai lần đầu tiên gặp nhau tại Chicago và thảo luận về hòa bình, tự do và cộng đồng. Ngay trong cuộc họp báo sau đó, King đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ Chiến tranh Việt Nam. 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh dạy trẻ em đọc và viết bằng một bài hát về Bồ Tát, năm 1964. Ảnh: Plum Village Community of Engaged Buddhism
Thiền sư Thích Nhất Hạnh dạy trẻ em đọc và viết bằng một bài hát về Bồ Tát, năm 1964. Ảnh: Plum Village Community of Engaged Buddhism
Thích Nhất Hạnh bên Tiến sĩ Martin Luther King Jr. (góc trái), trong một cuộc họp báo ở Chicago (Mỹ), tháng 5/1966
Thích Nhất Hạnh bên Tiến sĩ Martin Luther King Jr. (góc trái), trong một cuộc họp báo ở Chicago (Mỹ), tháng 5/1966

Năm 1967, King đề cử Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho giải thưởng Nobel Hòa bình song năm đó không ai được trao giải.

Năm 1966, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã lập ra dòng tu Tiếp Hiện đồng thời thành lập nhiều trung tâm thực hành và thiền viện trên khắp thế giới. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, ông chủ yếu sống ở nước ngoài, trong đó nơi cư ngụ chủ yếu của thiền sư là tại Tu viện Làng Mai, vùng Dordogne, miền nam nước Pháp. 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh năm 1973
Thiền sư Thích Nhất Hạnh năm 1973

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những người thầy về Phật giáo ở phương Tây, những lời dạy và phương pháp của thiền sư thu hút sự quan tâm của nhiều thành phần đến từ các quan điểm tôn giáo, tâm linh và chính trị khác nhau. Ông đã đưa ra cách thực hành chánh niệm thường được điều chỉnh cho phù hợp với tri giác phương Tây.

Hình ảnh trong lần trở về Việt Nam sau 40 năm tu tập ở nước ngoài của thiền sư Thích Nhất Hạnh
Hình ảnh trong lần trở về Việt Nam sau 40 năm tu tập ở nước ngoài của thiền sư Thích Nhất Hạnh

Đến năm 2005, sau hơn 4 thập niên rời xa quê hương, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã lần đầu tiên hồi hương về Việt Nam, tiếp đó là các năm 2007 và 2008. Nhà sư cũng trở lại chùa Từ Hiếu (Huế) lần đầu tiên sau khi rời đi vào tháng 5/1966.

Trong sự nghiệp văn chương của mình, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết hơn 120 tập thơ, tiểu thuyết, bản dịch kinh, thực hành Phật giáo và sổ tay thiền định, trong đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh, với một số tác phẩm nổi bật như Đường xưa mây trắng, Phép lạ của sự tỉnh thức, Hạnh phúc cầm tay, Phật trong ta, Chúa trong ta...

Cuộc đời tu hành của thiền sư Thích Nhất Hạnh qua ảnh  - Ảnh 1
Thiên sư dẫn đầu thiền hành với cộng đồng của mình tại Làng Mai, tháng 6/2014. Ảnh: Plum Village Community of Engaged Buddhism
Thiên sư dẫn đầu thiền hành với cộng đồng của mình tại Làng Mai, tháng 6/2014. Ảnh: Plum Village Community of Engaged Buddhism
Thiền sư trong lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 92 tại Thái Lan, tháng 10/2018
Thiền sư trong lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 92 tại Thái Lan, tháng 10/2018

Với 40 năm sống xa quê hương, ông là người đã tiên phong mang đạo Phật, đặc biệt là môn chánh niệm đến xã hội phương Tây, góp phần xây dựng cộng đồng Phật giáo dấn thân với gần 1.250 đệ tử xuất gia, hàng triệu đệ tử tại gia và độc giả trên khắp năm châu.

Ngày 28/10/2018, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trở về Tổ đình Từ Hiếu ở phường Thủy Xuân, TP Huế, là nơi ngài xuất gia tu học. Ông khi đó tâm niệm tịnh dưỡng ở ngôi chùa này đến khi viên tịch.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, ở tuổi 96
Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, ở tuổi 96

Lúc 0h ngày 22/1, Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, TP Huế ở tuổi 96, theo cáo phó của tăng đoàn Làng Mai.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news