Thời gian gần đây việc người dân có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV ngày một nhiều, xuất phát từ việc tham gia cứu người Tai nạn giao thông bị nhiễm HIV, hay đưa "cẩu tặc" nhiễm HIV bị đánh be bét máu đi cấp cứu...
Các bác sĩ tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Đồng Nai khuyến cáo, những người đã trực tiếp tham gia vào vụ xô xát nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra và uống thuốc phơi nhiễm sớm để bị tránh lây nhiễm trong thời gian sớm nhất. Ảnh: FB |
Ngày 28/7, vụ 2 "cẩu tặc" ở Đồng Nai bị dân đánh bê bết máu, trong đó có 1 đối tượng dương tính với HIV đã khiến nhiều người dân tham gia vụ đánh hội đồng này cảm thấy bất an.
Do trong quá trình xô xát, đánh các đối tượng trộm chó, máu của người này chảy rất nhiều nên những người dân tham gia hành hung, hoặc người đưa "cẩu tặc" đi cấp cứu đều có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV.
Còn nhớ hồi đầu tháng 7 cũng đã có 34 người tham gia cứu người trong vụ tai nạn giao thông tại Kon Tum cũng có phơi nhiễm HIV khi tham tham gia cứu nạn một bệnh nhân có HIV.
Theo Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm thì khi có nguy cơ phơi nhiễm HIV bạn cần bình tĩnh xử lý theo hướng dẫn sau đây.
Quy trình xử lý phơi nhiễm HIV, điều trị PEP bao gồm có 7 bước:
- Bước 1: Xử lý vết thương tại chỗ: Rửa ngay vết thương dưới vòi nước; để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương; rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch.
Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt: Rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0,9% liên tục trong 5 phút. Dùng vòi rửa mắt khẩn cấp nếu có (thường được trang bị trong các phòng xét nghiệm khẳng định)
Phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi: Rửa mũi bằng nước cất hoặc dung dịch NaCl 0,9 % và xúc miệng bằng NaCl 0,9 % nhiều lần.
- Bước 2: Báo cáo người phụ trách và làm biên bản (chú ý ghi đầy đủ ngày, giờ).
- Bước 3: Đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo mức độ tổn thương và diện tích tiếp xúc.
Những trường hợp có nguy cơ gồm:
Tổn thương do kim đâm: Nếu là kim nòng rỗng cỡ to, chứa nhiều máu, đâm sâu thì nguy cơ cao hơn là kim nòng nhỏ, chứa ít máu và đâm xuyên nông.
Tổn thương da sâu do dao mổ hoặc các ống nghiệm chứa máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bị vỡ đâm phải.
Máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào các vùng da, niêm mạc bị tổn thương viêm loét hoặc xây sát từ trước (thậm chí ngay cả khi không biết có bị viêm loét hay không). Nếu viêm loét hoặc xây sát rộng thì nguy cơ cao hơn.
- Bước 4: Xác định tình trạng HIV của nguồn gây phơi nhiễm.
- Bước 5: Xác định tình trạng HIV của người bị phơi nhiễm. Nếu kết quả xét nghiệm HIV dương tính ngay sau khi phơi nhiễm chứng tỏ người bị phơi nhiễm đã nhiễm HIV từ trước, không phải do phơi nhiễm.
Dừng sử dụng thuốc ARV cho dự phòng sau phơi nhiễm. Tư vấn, chuyển người bị phơi nhiễm đến cơ sở điều trị HIV để được điều trị.
- Bước 6: Tư vấn cho người bị phơi nhiễm.
- Bước 7: Điều trị dự phòng bằng thuốc ARV, càng sớm càng tốt, tối ưu nhất trong vòng 72 giờ.
Hiện nay, chỉ các trường hợp bị phơi nhiễm khi đang làm nhiệm vụ chuyên môn mới được điều trị dự phòng miễn phí, còn các trường hợp phơi nhiễm cộng đồng không được cấp chế độ này. Tuy nhiên, những người bị phơi nhiễm có thể mua thuốc tại các hiệu thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Chi phí cho một lần điều trị phơi nhiễm bằng thuốc ARV do Việt Nam sản xuất khoảng 1,2 triệu đồng.
Đức Hòa (tổng hợp)