Kết quả thoái vốn trong 9 tháng đầu năm vào các lĩnh vực nhảy cảm của các tập đoàn, tổng công ty rất tích cực, tăng gấp 3,6 lần so với cả năm 2013. Tuy nhiên, nhiệm vụ này vẫn sẽ rất nặng nề trong năm tới khi quy mô tăng đến 4,5 lần.
Sáng 9/10, tại Hội nghị phổ biến một số Chính sách mới về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, đại diện Cục Tài chính Doanh nghiệp cho hay, kế hoạch thoái vốn năm 2014 đề ra, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cần rút bớt 3.568 tỷ đồng tổng số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực “nhảy cảm”, gồm chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, tài chính - ngân hàng và bất động sản. Nhưng chỉ trong vòng 9 tháng qua, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã đi gần hết chặng đường, thoái vốn thành công 3.488 tỷ đồng.
Mức độ thoái vốn ở lĩnh vực tài chính – ngân hàng còn rất chậm.
Theo đó, ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lên kế hoạch thoái 2.863 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm là 211 tỷ đồng, lĩnh vực bất động sản là 141 tỷ đồng, lĩnh vực chứng khoán là 298 tỷ đồng và tại các quỹ đầu tư là 54 tỷ đồng.
So với năm trước, tốc độ thoái vốn trong năm nay được đánh giá là tích cực khi cả năm 2013, mức thoái vốn chỉ đạt 965 tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng 9 tháng, hiệu quả thoái vốn đã tăng gấp 3,6 lần cả năm 2013. Mặt khác, giá trị đầu tư vào 5 lĩnh vực nhảy cảm cũng được thu hẹp đáng kể, chỉ còn 17.929 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiệm vụ này vẫn sẽ rất nặng nề trong năm 2015, khi tổng mức vốn cần thoái lên tới con số 16.367 tỷ đồng, tăng gấp 4,5 lần.
Trong các năm trước, chứng khoán và bất động sản là 2 lĩnh vực có tốc độ thoái vốn nhanh nhất. Ở lĩnh vực chứng khoán, năm 2012 giá trị đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty đến 1.106 tỷ đồng thì năm 2013 chỉ còn 467 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch năm 2014, quy mô đầu tư vào lĩnh vực này chỉ còn 169 tỷ đồng.
Lĩnh vực bất động sản năm 2012 được ghi nhận đầu tư 6.089 tỷ đồng, đã giảm xuống còn 3.808 tỷ đồng. Năm 2014, kế hoạch thoái thêm 141 tỷ đồng nữa.
Năm 2013, giá trị đầu tư vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng tăng đến 2.090 tỷ đồng. Vì vậy, dù có hoàn thành thoái vốn 2.863 tỷ đồng của năm nay thì quy mô cũng chỉ giảm đi rất ít.
Nhận định về vấn đề này, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, “Đây mới chỉ là kế hoạch thoái vốn tại 5 lĩnh vực "nhạy cảm". Ngoài ra các tập đoàn, tổng công ty còn phải thoái vốn đầu tư ở các doanh nghiệp ngoài ngành sản xuất chính. Do đó áp lực thoái vốn còn rất lớn!”.
theo Phan Thuỷ/Người đưa tin