Tin mới

Đại gia đất Tây Đô bỏ ngàn lượng vàng xây nhà hoa lệ

Thứ ba, 10/03/2015, 14:33 (GMT+7)

Dương Chấn Kỷ, hay còn được gọi là ông Hội đồng Ba, là một đại gia nổi tiếng đất Tây Đô một thời, khiến thậm chí cả công tử Bạc Liêu cũng phải kiêng nể “vài phần”.

Dương Chấn Kỷ, hay còn được gọi là ông Hội đồng Ba, là một đại gia nổi tiếng đất Tây Đô một thời, khiến thậm chí cả công tử Bạc Liêu cũng phải kiêng nể “vài phần”.


 

Dương Chấn Kỷ thuộc gia tộc họ Dương gốc ở Nha Mân (Đồng Tháp), đến đất Bình Thủy (Cần Thơ) sinh cơ lập nghiệp cách đây hơn 150 năm.

Theo báo giadinh.net, uy thế của Dương Chấn Kỷ lúc sinh thời lớn lắm. Đến nỗi người dân trong vùng ngoài việc xưng ông là Hội đồng Kỷ đầy kính sợ, còn phải cúi rạp mình khi "trà dư tửu hậu" về cái sở thích chơi đồ cổ, mà giá trị mỗi món tính ra phải ngang bằng cả mẫu ruộng "cò bay thẳng cánh". Thời đó, hễ nghe đồn ở đâu có "hàng độc", ông Hội đồng Ba sẽ bằng mọi cách săn đón cho bằng được. Nhiều năm tích lũy, ông đã có trong tay sở hữu bộ sưu tập giá trị liên thành.

Ông Hội đồng Ba Dương Chấn Kỷ

Những lời đồn đại kể rằng, để chứa hết số đồ cổ ấy, Dương Chấn Kỷ còn bỏ ra cả ngàn lượng vàng xây nên ngôi nhà hoa lệ. Sau mấy tháng trời ròng rã mới hoàn thành, vị đại phú gia dành hẳn một không gian rộng lớn trong căn nhà để trưng bày những món đồ cổ đắt tiền, ngày ngày tự thưởng cho mình cái thú nhấp trà, thưởng tửu ngắm chơi.

Ngôi nhà rộng năm gian hai chái. Sân trước rộng lót gạch Tàu, lối vào nhà xây bốn cầu thang hình cánh cung tao nhã, nối kết nhà với khoảng sân rộng. Nhà rộng thênh thang với sáu hàng cột gỗ lim đen bóng. Kết nối giữa hệ thống cột, xà là những chi tiết gỗ màu nâu chạm trổ hết sức tinh vi. Nhờ hệ thống cửa và cửa sổ thoáng đãng, dù trời nắng chang chang nhưng trong nhà vẫn rất mát mẻ.

Ngôi nhà ngàn lượng vàng của ông Dương Chấn Kỷ

Toàn bộ gạch bông hoa hồng đỏ – đen lát nền nhà với hàng rào sắt đúc bảo vệ khuôn viên đều được đặt và chở từ Pháp sang. Ngôi nhà được chủ nhân xử lý chống mối và giữ độ lạnh trong nhà rất độc đáo, bằng cách rải đều dưới nền hơn 10cm muối hột, không dùng xi măng để xây mà dùng keo ô dước, toàn bộ hệ thống kèo và cột được nối kết không phải bằng đinh mà bằng mộng – ngoàm; luật đối xứng có âm có dương, có tả có hữu, có trước có sau được gia chủ đặc biệt chú ý...

Toàn bộ tư dinh bố cục cân xứng âm dương với cổng tam quan, sân gạch tàu, năm gian nhà xây trát bằng keo ô dước, hai mái lợp ngói Phước Lộc Thọ kiểu Tam đa, đèn đặt bốn góc Long Lân Quy Phụng dạng Tứ quý, cột kèo gỗ lim đen bóng hai vòng ôm chưa giáp được gắn kết khít khao bởi kỹ thuật mộng ngàm.

Nhà cổ của gia đình họ Dương còn có một tên gọi khác là vườn lan Bình Thủy. Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, ông đã sưu tầm được nhiều giống lan quý rồi bắt đầu tổ chức các hội chơi lan, kết hợp mở tuyến du lịch đến nhà vào những năm 1980 để những người cùng sở thích có dịp trao đổi kinh nghiệm, cùng thưởng thức thú chơi hoa và làm thơ. Trước sân có hòn non bộ, hoa kiểng, bên phải là vườn lan, góc bên có cây xương rồng Mexico Kim lăng trụ cao khoảng 10m, khoảng 40 năm tuổi, năm 2005 cây ra hoa lần đầu tiên trông rất lạ mắt.

Bên trong ngôi nhà Bình Thủy

Hiện trong ngôi nhà, “kho cổ vật” của ông hội đồng Ba vẫn được gìn giữ qua nhiều đời như hai bộ bàn ghế có xuất xứ từ Vân Nam (Trung Quốc), mặt bàn bằng đá cẩm thạch vân xanh đường kính 1,5m, dày hơn 6cm; bộ sa–lông kiểu Pháp đời Louis 15, mặt bằng đá cẩm thạch sắc xanh; chùm đèn bạch đăng; tách chén nậm trà, rượu đời Minh – Thanh; bình Thượng ngọc men xanh cao 1,2m, sập gụ, tủ chè, trường kỷ, khánh từ, thành vọng sơn son thếp vàng; …

Ông chủ họ Dương cũng là chủ nhân của cặp ngà voi Châu Phi cao tới 2,2 m nổi tiếng khắp lục tỉnh thời bấy giờ.

Ông Dương Minh Hiển (hậu duệ đời sau của vị "cự phú" đất Tây Đô năm xưa) cho biết trên báo Gia đình: "Cặp ngà này được ông Dương Chấn Kỷ năm xưa mua một cách tình cờ". Lần ấy, trong dịp ghé Sài Gòn thăm thú, khi đi ngang qua đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi, Q.1), Hội đồng Dương Chấn Kỷ ghé vào gian hàng bán tiêu bản thú vật của một tay thợ săn người Pháp xem chơi. Vị khách mặc đồ giản dị như một nông dân miền Tây, cứ tần ngần đứng bên cặp ngà voi cao quá đầu. Viên chủ tiệm thấy vậy ra giọng coi khinh: "Đây đâu phải chỗ chơi của ông hả lão già nhà quê. Lỡ tay mà làm trầy xước vật quý, thì lão có bán cả gia sản cũng chớ hòng bồi thường được". Hội đồng Kỷ không phản ứng. Nghe lão chủ Tây quát nạt, ông chỉ nhẹ nhàng hỏi lại: "Cỡ bao nhiêu mà dữ vậy chú em, nghe thử coi?".

Cặp ngà voi 2,2m của gia đình họ Dương đang được trưng bày tại bảo tàng

Tay chủ tiệm người Pháp lớn giọng "quát" giá 4.000 đồng bạc trắng tiền Đông Dương, với suy nghĩ cho "lão nông dân" phát hoảng mà "đi cho khuất mắt". Nhưng trong ánh mắt kinh ngạc của gã, ông Hội đồng không thèm trả giá mà lần túi, lấy ít tiền đặt cọc rồi lên xe dong thẳng về quê. Ngay ngày hôm sau, trước mặt tên chủ khinh người, vị "cự phú" chở đến đủ 4.000 đồng bạc trắng tiền Đông Dương rồi thản nhiên rước cặp ngà lên xe. Có được vật quý, ông Hội đồng dành hẳn một vị trí trang trọng nhất trong nhà để trưng bày, khiến các quan lớn trong tỉnh mỗi khi đến xem ai nấy cũng phải trầm trồ chép miệng. Giai thoại kể lại rằng, cha con Bạch Công tử (công tử Bạc Liêu) nghe tin Hội đồng Ba đất Tây Đô chơi trội, liền lên ngã giá mua lại cặp ngà. Nhưng bất kể nhận được lời đề nghị lên đến gần chục cánh đồng muối "cò bay thẳng cánh", ông Hội đồng Ba chỉ cười nhếch mép lắc đầu.

Trải qua dâu bể thời gian, cặp ngà quý nay nằm im lìm trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP. HCM). Được đặt ngay ngắn trên một bệ giá gỗ phục vụ khách thăm quan, một chiếc ngà voi có kích thước lên đến 1,9m và chiếc còn là là 2,2m.

Nam Nam (Tổng hợp)

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: Tây Đô nhà cổ