Đơn giản vì thú chơi, các đại gia Việt nhất quyết giữ trong nhà những gốc cây khủng, dù nhiều đại giả trả chục tỉ, thậm chí 30 tỉ cũng không bán.
Gốc bàng khủng 30 tấn của đại gia Sóc Trăng
Chủ sở hữu của bộ rễ cây cổ thụ này là ông Mai Kiên - một chủ trại hòm ở phường 5, TP Sóc Trăng (Sóc Trăng). Ông Kiên cho biết làm nghề kinh doanh gỗ đã 40 năm. Để sở hữu bộ rễ khổng lồ, ông đã bỏ ra 35 triệu đồng.
Ông Kiên kể: “Lúc đầu cũng chẳng biết mua gốc cây này về làm gì, nhưng khi vào chùa thấy một số nhà sư điêu khắc những cây gỗ nhỏ thành nhiều tác phẩm đẹp nên tôi mới có ý định tạo ra một sản phẩm từ gốc và rễ cây cổ thụ này”.
Một số nhà khoa học và các bậc cao niên trong làng cho rằng gốc bàng đá này có tuổi đời khoảng từ 450 - 700 năm, chiều cao khoảng 40m, chu vi thân cây trên 10m, bộ rễ có đường kính khoảng 18m.
Sau khi mua xong, ông Kiên mất khoảng 1 tháng để thuê người đào xới, móc từng phần rễ nằm sâu dưới lòng đất rồi cắt từng mảnh để vận chuyển về nhà bằng xe cẩu với chi phí hơn 200 triệu đồng. Hiện bộ rễ được đặt trong nhà ông, hàng ngày đều có thợ rửa, lau chùi, gọt giũa tỉ mỉ để dần tạo nên một tác phẩm thiên nhiên hoàn mĩ.
Được biết, đến nay đã qua 1 năm chỉnh sửa mà mới chỉ 5% công trình được hoàn thiện, mặc dù mỗi ngày ông Kiên thuê tới 6 nhân công để xử lý cây. Dự kiến để hoàn thành xong tác phẩm theo ý tưởng phải mất vài năm nữa và số vốn đầu tư thêm khoảng 3 tỷ đồng.
Vừa qua có một công ty ở Nha Trang ngã giá 12 tỷ và mới đây một ông chủ ở Đà Nẵng đưa ra mức giá 30 tỷ, tuy nhiên ông Kiên chưa có ý định bán mà sẽ cố gắng hoàn thành tác phẩm với thời gian sớm nhất.
Gốc trắc, lũa giá “khủng” 2 tỷ đồng không bán
Anh Trần Xuân Cường (27 tuổi, trú phường Hội Phú, TP.Pleiku, Gia Lai), một người đam mê hàng mỹ nghệ đang là chủ nhân của gốc trắc với đường kính trên 2m; trọng lượng 2 tấn (theo kiểm lâm); chiều cao 1,5m.
Gốc trắc “khủng” này có giá ít nhất là 2 tỉ đồng, bởi từng có một doanh nhân ở TP.HCM trả giá ngần ấy tiền để mua, song chủ nhân của nó không bán. Anh cho biết: "Tôi dự định sẽ thuê thợ mỹ nghệ Đồng Kỵ (Hà Nội) chạm trổ để nó thành một món hàng mỹ nghệ độc nhất vô nhị. Nếu có dịp thì sẽ mang đi triển lãm hoặc tham gia Festival gỗ”.
Còn ông Nguyễn Công Đức (Lương Sơn, Hòa Bình) có bộ lũa gù hương lớn nhất, quý nhất Việt Nam mà "thèm". Theo giới sành gỗ, ở Việt Nam, không thể có gốc cây nào có tuổi kinh khủng và đẹp nguyên vẹn như gốc cây của ông Đức.
Ông Đức kể, khi lang thang trên sườn một ngọn núi đá ở huyện Kim Bôi, ông dẫm chân lên một “tảng đá” to như cái sân nhà, bề mặt “tảng đá” phẳng lỳ, rêu phong xanh rì. Ông Đức cứ ngắm nghía rồi băn khoăn không hiểu thiên nhiên kiến tạo thế nào mà tài tình, kỳ lạ đến vậy. Sau đó, ông Đức giật mình khi biết rằng cái “mặt đá khổng lồ” kia lại là một gốc cây đã bị cắt. Chỉ đến khi ông tận mắt những cái rễ to như cột đình lộ ra ở khe núi ông mới tin đó là gốc cây thật.
Gốc cây này có đường kính tới 7m, có tuổi thọ khoảng 3.000-4.000 năm, làm lũa cực đẹp, lại không bị thủng ở giữa gốc. Có người trả giá 130 ngàn USD, tương đương với khoảng 2,2 tỷ đồng cho cái gốc cây này song ông Đức vẫn từ chối.
Nam Nam (Tổng hợp)