Sở thích nuôi thú dữ làm cảnh đang là thú chơi được nhiều đại gia “lắm tiền nhiều của” ưa chuộng. Nhiều người còn biến nó thành cơ hội kinh doanh đầy tiềm năng với những động vật hoang dã quý hiếm.
"Đại gia điếu cày” chi 70 tỷ nuôi hổ trắng, tê giác châu Phi
Nổi danh trong giới bất động sản và kinh doanh khách sạn, tiếng tăm của đại gia Lê Thanh Thản càng như “diều gặp gió” khi đầu tư một vườn thú quý hiếm. Vườn thú hoang dã nằm trong khuôn viên Khu sinh thái Trại Bò tại Diễn Châu, Nghệ An của ông được xem là vườn thú tư nhân “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam.
Hổ trắng trưởng thành từ lứa sinh sản đầu tiên ở Trại Bò.
Giá trị hàng đầu về mặt khoa học phải kể đến là 2 cá thể tê giác (1 đực, 1 cái) được nhập về từ Cộng hòa Nam Phi năm 2008. Ngoài 2 con tê giác trên, vị đại gia này còn sở hữu rất nhiều động vật hoang dã từ châu Phi như 1 cặp ngựa vằn, 1 cặp ngựa bạch và vài chục con hươu, linh dương, hai con đà điểu. Đặc biệt ông còn sở hữu hai con hổ vằn và 1 con gấu...
“Vua cá sấu” Hà Thành
Là người đầu tiên đưa cá sấu về nuôi ở Đan Phượng (Hà Nội), đến nay anh Nguyễn Quang Hiển đã trở thành một tỉ phú và được nhiều người gọi với cái tên "Vua cá sấu" Hà Thành.
Anh Nguyễn Quang Hiển là chủ của hai trang trại cá sấu giá bạc tỷ.
Quyết định dứt nghề sửa chữa điện, chuyển sang nuôi cá sấu vào năm 2003, anh Hiển đã cất công vào tận miền Tây xa xôi để học hỏi kinh nghiệm nuôi cá sấu. Sau khi nghe nhiều chủ cá sấu phân tích, anh Hiển quyết định về lập chuồng trại và tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo môi trường thích hợp cho cá sấu ở.
Nuôi cá sấu không chỉ là thú chơi mà còn mang lại thu nhập ngất ngưởng cho nhiều người
Sau hơn 10 năm gắn bó với cá sấu, giờ đây, trang trại của anh Hiển xuất mỗi năm 10.000 con cá sấu, thu lãi 6 tỷ đồng/năm. Hơn nữa, anh cũng thành lập công ty làm đồ thủ công mỹ nghệ từ da cá sấu và cũng mở rộng mô hình nuôi cá sấu cho các hộ dân xung quanh.
Đại gia Dũng “lò vôi” chăn hổ, nuôi hà mã
Vườn thú của khu du lịch Đại Nam của đại gia Huỳnh Uy Dũng (Dũng lò vôi) là “vườn thú quý hiếm bậc nhất không chỉ ở Việt Nam. Với diện tích 12,5 ha, vườn thú Đại Nam có khoảng 100 loài thú quý hiếm từ hổ Đông Dương, tê giác, các loài voọc…
Thậm chí, thú quý khỉ sóc giống Nam Mỹ, ngựa vằn và hà mã sinh nở tại đây như ở thiên nhiên hoang dã. Một số loài sinh nở thành công như voọc bạc, linh dương đầu bò, linh dương sừng kiếm, linh dương sừng xoắn, linh trưởng v.v…
Hà mã nuôi ở khu du lịch Đại Nam.
Cặp hà mã tại khu du lịch này được mua từ Israel, mỗi con có giá hơn 17 ngàn euro (chưa tính tiền vận chuyển). Sau hơn 3 năm nuôi thuần dưỡng theo mô hình bán hoang dã trong diện tích 200m2, trong đó có 50% mặt nước tại khu du lịch Đại Nam, hà mã sinh trưởng tốt.
Đại gia bia hơi Pacific và đàn hổ 31 con
Ông Ngô Duy Tân, Giám đốc Công ty TNHH Bia Thái Bình Dương Pacific, là chủ 31 con hổ tại chuồng nuôi “thí điểm” ở Bình Dương. Từ 6 con hổ con yếu đuối, đến năm 2009, đàn hổ tại trại nuôi của ông Tân đã phát triển lên 31 con.
Mỗi tháng, chỉ tính riêng số lượng 31 con hổ và 8 con báo Hoa mai ở trại nuôi của Bia Thái Bình Dương đã ngốn hết trên 100 triệu đồng. Việc nuôi hổ vất vả, tốn kém là vậy, lại thêm quy định của ngành kiểm lâm... nên đôi lúc ông Tân muốn “buông” đàn hổ.
Bảo An/Người đưa tin