Theo Bloomberg, sau khi khám nghiệm tử thi một bệnh nhân nam giới 50 tuổi tử vong do Covid-19 tại Trung Quốc, các bác sĩ cho biết phổi của bệnh nhân này có những tổn thương tương tự như 2 loại virus Corona khác là SARS và MERS gây ra.
Virus Corona chủng mới sinh sôi bám trên tế bào cơ thể người bị nhiễm. Ảnh: NIAID-RML
Được biết, bệnh nhân đã qua đời vào ngày 27/1 sau 2 tuần trị bệnh khiến người này càng ngày càng khó thở. Phế nang (cơ quan giúp đưa oxy vào máu và loại bỏ carbon dioxide) trong phổi bệnh nhân này bị tổn hại nặng nề và việc đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tim.
Hình ảnh X-quang của bệnh nhân cho thấy phổi bị tổn thương nhanh và có một số điểm khác biệt giữa hai bên phổi. Ngoài ra, các thay đổi mô học trong tim khiến các nhà nghiên cứu đặt giả thuyết bộ phận này bị virus Corona tàn phá.
Các xét nghiệm máu cho thấy một loại tế bào chịu trách nhiệm chống lại nhiễm trùng đã hoạt động quá mức và gây ra tổn hại lớn cho hệ miễn dịch của bệnh nhân.
Theo giáo sư Matthew B.Frieman, một chuyên gia về virus của ĐH Maryland (Mỹ), quan sát thấy bệnh Covid-19 cũng tiến triển như SARS. Những ngày đầu mới nhiễm, virus tấn công dồn dập tế bào phổi, chủ yếu là lớp tế bào cilia bảo vệ tế bào niêm dịch.
Mất đi lớp bảo vệ đó, đường hô hấp sẽ bị chất bẩn, dịch lỏng và virus tràn ngập. Cách thức tấn công này khiến nhiều bệnh nhân COVID-19 bị viêm cả hai lá phổi, đi kèm triệu chứng khó thở, giáo sư Frieman cho biết.
Tính tới sáng 19/2, virus Corona chủng mới COVID-19 đã lây nhiễm hơn 75.000 người và làm hơn 2.000 người tử vong. Con số này lớn hơn rất nhiều so với các đợt dịch bệnh trước đó là SARS và MERS.
Theo tạp chí National Geographic, khác với các chủng virus Corona gây bệnh cảm cúm thông thường, các chủng Corona gây bệnh SARS (Hội chứng hô hấp cấp nặng), MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông) và COVID-19, vốn lây từ động vật sang người, có sức tàn phá mạnh hơn hẳn.