Diva Thanh Lam đã thổi hồn cho ca khúc "Hát đồng dao", "À ơi ngày thơ" của Phạm Phương Thảo trong liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát của Phạm Phương Thảo.
Ngày 3/11, live show Mơ duyên của ca sĩ Phạm Phương Thảo đã diễn ra tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội.
Những người trong nghề như ca sĩ Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn… đã không khỏi bùi ngùi vì một giọng hát như Phạm Phương Thảo đến giờ mới làm được live show.
Nhưng có lẽ vì thế mà khán giả lại là người may mắn, vì họ được thưởng thức tất cả những điều tốt nhất mà Phạm Phương Thảo dành cho show này, lại ở giai đoạn chín nhất của nghệ sĩ ở cả tuổi đời và tuổi nghề.
Mơ duyên đã tạo được bất ngờ. Là bởi ai cũng biết Phương Thảo là một ca sĩ dòng dân ca, chưa nhiều người biết đến những sáng tác của cô. Nếu có sáng tác, có lẽ Thảo khó thoát ra khỏi cái "e" dân gian đã thấm vào máu, có thể nhiều người sẽ nghĩ thế.
Liveshow Mơ duyên đánh dấu sự nghiệp 20 năm ca hát của Phạm Phương Thảo. |
"Mơ duyên" được chia làm 3 phần với kết cấu rõ ràng, xuyên suốt. Phần 1 là chân dung của "gái Nghệ" vừa nhẹ nhàng mà vẫn cứng cỏi, với một tình yêu âm nhạc tha thiết, rời xa quê hương để lập nghiệp. Trong bộ áo dài trắng duyên dáng, Phạm Phương Thảo đã hát lên "Duyên người Nghệ", "Neo đậu bến quê", "Ca dao em và tôi" và "Gái Nghệ".
Nữ ca sĩ chia sẻ, cô dành trọn phần 1 dành cho gia đình, cho bè bạn và rất nhiều người Nghệ có mặt trong khán phòng Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô tối 3/11. Đặc biệt, là dành tặng cho cha mẹ - những người đã rất vất vả để nuôi cô nên người.
Bố mẹ vô cùng tự hào và hạnh phúc trước thành công của Phạm Phương Thảo. |
Khoảnh khắc xúc động nhất ở liveshow chính là những lời tâm tình của cha Phạm Phương Thảo. Cha mẹ cô là những người làm nông, gia đình đông con nên để lo ăn học là điều không dễ dàng. Khi Thảo rời nhà đi học xa, ông chạy theo chiếc xe để dúi cho cô chiếc chăn con công lành lặn nhất của cả gia đình. Đến giờ, khi thấy con gái trưởng thành, đứng trên sân khấu của riêng mình, ông thấy tự hào về con.
Phần 2 của liveshow là những ca khúc do cô tự sáng tác được các khách mời thể hiện. Có thể thấy rất rõ, Thảo đã đưa những câu chuyện của đời mình, cá tính của mình hòa với chất dân gian, chất thơ trong từng tác phẩm.
Tam ca (từ trái qua) Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn thể hiện hai ca khúc do Phạm Phương Thảo sáng tác là "Trai quê tôi", "Phiêu diêu Tràng An". |
Khán giả rất bất ngờ khi được nghe sự hào sảng, mạnh mẽ của "Trai quê tôi" (Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn); sự lắng đọng, nghẹn ngào của phận gái bị phụ bạc trong "Mong manh em" (Nguyễn Ngọc Anh); sự đằm thắm, dịu dàng trong "Thương ơi lòng mẹ" (Nguyễn Thu Hằng); sự hồn nhiên, vui vẻ với "À ơi ngày thơ" và cả sự mãnh liệt trong "Hát Đồng Dao" (Thanh Lam)...
Diva Thanh Lam đã thổi hồn cho ca khúc "Hát đồng dao", "À ơi ngày thơ" của Phạm Phương Thảo. |
Đến phần 3, Phạm Phương Thảo đã trở về với những gì đã làm nên cô của ngày hôm nay với những sáng tác nổi tiếng. Ở đó, nữ ca sĩ đã bung ra toàn bộ sức lực của mình để hát "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh", "Quảng Bình quê ta ơi", "Bài ca thống nhất".
Phạm Phương Thảo hát những ca khúc gắn liền với tên tuổi. |
Phạm Phương Thảo hát "Mơ Duyên". |
Không chỉ được thấy trọn vẹn chân dung âm nhạc của Phạm Phương Thảo, khán giả còn thấy yêu hơn giọng hát “Gái Nghệ” khi cô cho thấy vẻ đẹp từ tâm hồn qua sự hiếu nghĩa với mẹ cha, với hai người thầy của mình.
Trong live show có hai chiếc ghế trống trên hàng ghế đầu. Đó chính là hai chiếc ghế Phạm Phương Thảo dành cho hai người thầy quá cố NSND Phạm Quý Dương và nhạc sĩ An Thuyên. |