Người đứng đầu lực lượng quân đội Mỹ - Thái Bình Dương ngày hôm nay, 3/11, cho biết thách thức của Hải quân Mỹ đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông hồi tuần trước không được thiết kế như mối đe dọa quân sự.
Phát biểu tại thủ đô Trung Quốc, Đô đốc Harry B.Harris Jr đã dẫn một tuyên bố mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter rằng trật tự thế giới "phải đối mặt với những thách thức từ Nga và theo một cách khác, từ Trung Quốc, với những yêu sách hàng hải mơ hồ của họ", kể cả những yêu sách mà Bắc Kinh đưa ra với gần hết Biển Đông.
Tuy nhiên, ông Harris cho biết quyết định đưa tàu USS Lassen, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường, tới Biển Đông, gần đá Xu Bi, trong phạm vi 12 hải lý tính từ đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc hồi tuần trước là để chứng minh nguyên tắc tự do hàng hải.
"Tôi thực sự tin rằng những hoạt động thường xuyên đừng bao giờ nên hiểu là là một mối đe dọa cho bất cứ quốc gia nào. Những hoạt động này để bảo vệ các quyền, sự tự do và sử dụng vùng biển và vùng không phận đúng luật, đảm bảo cho tất cả các nước theo luật quốc tế", ông Harris nói.
Đô đốc Harry B.Harris Jr, chỉ huy Bộ Tư lệnh Mỹ Thái Bình Dương. Ảnh: AP |
Trung Quốc đã phản đối cuộc tuần tra của tàu Lassen, gọi đó là sự "cố ý khiêu khích" và đưa 2 tàu chiến theo sát, cảnh báo tàu Mỹ.
Mặc dù Trung Quốc gọi hành động của Mỹ là bất hợp pháp nhưng luật quốc tế lại cho phép tàu chiến đi qua vùng biển của các nước khác theo nguyên tắc "đi qua nhưng không gây hại".
Ông Harris nói rằng Mỹ không muốn những bất đồng gây trở ngại đến cơ hội xây dựng mối quan hệ quân sự thân thiets hơn với Trung Quốc. Ông đã dẫn ra những tiến bộ gần đây trong quan hệ quân đội 2 nước, chẳng hạn như Hiệp định Tư vấn Hàng hải Quân sự (MMCA). Hiệp định này đã đưa ra những biện pháp để cải thiện hoạt động quân sự an toàn tại châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Harris cũng đã thẳng thắn chỉ trích hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông. Vào tháng 3, ông nói rằng Trung Quốc "đang xây vạn lý trường thành bằng cát", gây ra mối quan ngại nghiêm trọng về việc quân sự hóa các rạn san hô và đảo nhân tạo tại khu vực tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước.
Mỹ không công nhận các đảo nhân tạo, kể cả Đá Xu Bi, là đảo hợp pháp có chủ quyền lãnh hải và các quan chức Mỹ nói rằng họ có kế hoạch tuần tra gần khu vực này thường xuyên để thực thi quan điểm đó. Trung Quốc đã khai hoang khoảng 809 ha đất trong chuỗi đảo thuộc quần đảo Trường Sa từ năm ngoái và giờ đang xây thêm các bến cảng, nhà ở, đường băng.
Hôm nay, ông Harris đã phát biểu trước các sinh viên ĐH Stanford, hiện đang nghiên cứu tại ĐH Bắc Kinh. Hiện ông đang ở Bắc Kinh trong chuyến thăm đầu tiên dưới cương vị chỉ huy Bộ tư lệnh Mỹ Thái Bình Dương, chịu trách nhiệm cho các hoạt động quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Truyền thông quốc tế không được mời tham dự bài phát biểu này.
Trong bài phát biểu của mình, đô đốc Mỹ khá lạc quan trong những đánh giá về việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Ông không tán thành quan điểm bi quan cho rằng một cuộc xung đột là không tránh khỏi.
"Tôi đồng ý với nhiều đối tác phía Trung Quốc khi nhấn mạnh hợp tác hơn đối đầu", ông Harris cho biết.
"Tôi sẽ tiếp tục có những cuộc trò chuyện cá nhân và thẳng thắn với các lãnh đạo quân sự Trugn Quốc, đó là lý do tại sao tôi ở lại đây trong tuần này".
Những nhận xét của ông Harris đã phản ánh trọng tâm của chính quyền Obama là làm sâu sắc thêm mối quan hệ quân sự, kinh tế, ngoại giao của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cái được gọi là "xoay trục Thái Bình Dương" sau nhiều năm tham gia chiến tranh Afghanistan và Iraq. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Trung đã trở nên phức tạp sau những gì mà Mỹ nhìn thấy những ý định quân sự đen tối và những động thái quyết liệt của Trung Quốc tại Biển Đông.
Mặc dù sự ngờ vực vẫn còn ở cả 2 phía, sự can dự ngày càng gia tăng. Cùng với những thỏa thuận nhằm ngăn ngừa sự cố ngoài ý muốn giữa các tàu và máy bay trong thời gian gần đây, quân đội 2 nước đã tăng cường đối thoại và trao đổi tại các diễn đàn song phương cũng như đa phương.
Tháng trước, một phái đoàn Hải quân Mỹ gồm 27 thành viên ddax tới thăm tàu sân bay duy nhất của Trugn Quốc và thăm một học viện huấn luyện tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc. Đây là đáp lại cho chuyến thăm kéo dài một tuần của 29 sĩ quan hải quân Trung Quốc tới Mỹ hồi tháng 2.
Bảo Linh (theo AP)