Là một dự án được kỳ vọng trong việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội đến nay dự án hầm đường bộ Đèo Cả còn được coi là dự án hiếm hoi có cú lội ngược dòng ngoạn mục.
Dự án trọng điểm
Dự án hầm đường bộ Đèo Cả đang trong quá trình thi công |
Năm 2014, một dự án trong nước nhận được sự quan tâm cũng như thu hút vốn đầu tư xã hội, đó là dự án Hầm Đèo Cả.
Dự án hầm Đèo Cả bao gồm : hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã và đường dẫn, có tổng chiều dài hơn 13km. Dự án được thiết kế theo chuẩn đường cao tốc, vận tốc xe 80km/giờ. Chỉ tiếng riêng phần hầm Đèo Cả đã dài hơn 4,1km, bao gồm 2 ống hầm song song, mỗi ống cách nhau 30m. Ống hầm rộng 9,75m có hai làn xe cùng dải an toàn và hành lang bảo dưỡng.
Bên cạnh đó hầm Cổ Mã có chiều dài 500m và có quy mô mặt cắt tương tự như hầm Đèo Cả. Đường dẫn của hầm Cổ Mã có chiều dài 8,5km, gồm 6 cầu với tổng chiều dài 1,2km, có 4 làn xe và dải an toàn.
Dự án hầm đường bộ Đèo Cả trên QL1A (giữa hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa) được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh- chuyển giao) và BT (xây dựng – chuyển giao). Theo kế hoạch triển khai, tổng mức đầu tư của dự án là 15.603 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây dựng hầm Đèo Cả là 10.555 tỷ đồng, xây dựng hầm Cổ Mã và các cầu trên tuyến và đường dẫn (BT) là 4.509 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 539 tỷ đồng.
Vốn đầu tư BOT do nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện đầu tư xây dựng dự án và thu hồi vốn thông qua thu phí. Vốn đầu tư BT nhà đầu tư huy động bằng nguồn vốn vay để thực hiện và sẽ được trả chậm bằng ngân sách Nhà nước. Vốn ngân sách Nhà nước sẽ được dùng cho công tác giải phóng mặt bằng. Công tác giải phóng mặt bằng được tách thành 2 tiểu dự án độc lập giao UBND tỉnh Phú Yên, tỉnh Khánh Hòa tổ chức thực hiện.
Dự án được thực hiện bởi Liên doanh các Nhà đầu tư gồm: Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty CP Tập đoàn Mai Linh Nam Trung Bộ & Tây Nguyên, Công ty CP Đầu tư Hải Thạch BOT, Công ty CP Á Châu. Trong đó Doanh nghiệp dự án là Công ty CP đầu tư đèo Cả. Tổ chức Tư vấn lập dự án: Liên danh Tư vấn Egis Bceom International, Egis Structure & Environnement và Công ty CP Tư vấn Xây dựng Hoàng Long.
Đã khởi công vào ngày tháng 11/ 2012 và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 7/2017. Riêng hầm Đèo Cả phải đến 18/11/2014 mới tiến hành khởi công xây dựng.
Từ trước đến nay, tuyến đường giao thông huyết mạch QL1A có đoạn qua Đèo Cả chiếm địa hình núi cao hiểm trở, nhiều cua gấp với bán kính cong nhỏ và độ dốc dọc lớn, tăng nguy cơ mất an toàn giao thông lên mức độ cao, ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông trên tuyến đường, nhất là với các xe tải nặng, siêu trường siêu trọng.
Kèm theo địa hình trắc trở là việc đèo thường xuyên xảy ra hiện tượng đất đá bị sụt lở gây xảy ra ách tắc giao thông. Trước tình hình cấp thiết đó, dự án hầm đường bộ Đèo Cả được đưa ra nhằm giảm thiểu Tai nạn giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác của QL1A và đồng thời góp phần quan trọng trong việc phát triển các trung tâm kinh tế, công nghiệp và du lịch lớn của khu vực miền nam Trung Bộ.
Là dự án giúp nối Phú Yên với khu kinh tế Vân Phong và thành phố Nha Trang. Đồng thời có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế xã hội, chính trị và đảm bảo an ninh quốc phòng tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Sau hầm đường bộ Hải Vân, hầm đường bộ Đèo Cả được xây dựng sẽ là hầm đường bộ hiện đại thứ hai của Việt Nam.
Cú ngược dòng hơn 4.000 tỷ
Một điều khác thường trong Dự án hầm Đèo Cả, tạo nên sự khác biệt so với những dự án từ trước đến nay. Trong khi nhiều nhà đầu tư tìm cách nâng cao, điều chỉnh tăng vốn thì Dự án hầm Đèo Cả lại tiến hành rà soát tiết giảm mức đầu tư, còn dư tiền để triển khai công trình giao thông khác và dự kiến sẽ không thu phí.
Theo thông tin đưa ra năm 2012, quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư của dự án Đèo Cả là 15.603 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau quá trình triển khai, tình toán lại khối lượng, rà soát lại các hạng mục đầu tư,... đến điều chỉnh đơn giá vật liệu, tổng mức đầu tư giảm xuống còn 11.978 tỷ đồng, giảm 3.626 tỷ đồng so với mức phê duyệt ban đầu đề ra.
Từ đó nhà đầu tư đề xuất sử dụng chi phí tiết giảm đó để đầu tư hầm đường bộ qua đèo Cù Mông với chiều dài gần 6,5km. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 4.967 tỷ đồng. Với phương án này, nhà đầu tư cũng không đề nghị lập thêm trạm thu phí mới, không làm tăng tổng mức đầu tư đã phê duyệt.
Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên đã đồng ý để nhà đầu tư triển khai lập dự án đầu tư hầm đường bộ qua đèo Cù Mông phù hợp với tổng thể quy hoạch, đồng thời đưa ra nhiều phương án để tạo hiệu quả đầu tư cao nhất.
Trước quyết định trên, dự án phát sinh hầm Cổ Mã đã đi vào khởi công từ ngày 15/11/2013. Nằm trong dự án hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Cổ Mã thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, do Công ty cổ phần Sông Đà 10 thi công.
Theo Ban quản lý dự án, lúc cao điểm các đơn vị tư vấn và nhà thầu phải huy động hơn 900 kỹ sư, công nhân cùng thi công liên tục cả ngày lẫn đêm, đồng thời áp dụng các giải pháp kỹ thuật phù hợp xử Lý Hiện tượng địa chất phức tạp trong quá trình khoan hầm nhằm rút ngắn thời gian thi công.
Vì vậy tất cả các hạng mục trong dự án đều vượt tiến độ, đặc biệt là hầm Cổ Mã thời gian thi công thông hầm sớm hơn dự kiến 3,5 tháng. Hiện tại hầm Cổ Mã đã thông và hoàn thành bê tông vỏ hầm từ giữa tháng 6/2015, dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 8/2015, nhanh hơn kế hoạch một tháng.
Cũng như lần đầu tiên tiết giảm rà soát mức đầu tư, sau một thời gian triển khai dự án hầm đường bộ Đèo Cả tiếp tục được thay đổi phương thức thu xếp tài chính, hình thức thực hiện dự án, tiếp tục giảm xuống 4.200 tỷ đồng so với mức vốn đầu tư được phê duyệt.
Hiện nay hầm Đèo Cả đang triển khai thi công 3 ca liên tục, đào 3.050/8.250m hầm, dự kiến thông hầm trong tháng 9/2016 và hoàn thành đồng bộ vào tháng 7/2017.
Như vậy, từ trước đến nay dự án hầu hết các dự án công trình đường, sá, cầu cống… trên cả nước đều bị đội vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng, thì ngược lại hầm đường bộ Đèo Cả có thể được xem là một trong số hiếm hoi dự án của ngành giao thông có cú lội ngược dòng về vốn đầu tư.
Hoài An (Tổng hợp)