Tin mới

Dự án thừa giấy vẽ voi, ngân sách trôi đi theo sóng biển

Thứ năm, 02/10/2014, 08:41 (GMT+7)

Trong khi hàng loạt dự án được\nđầu tư hàng trăm tỷ đồng đang hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn Ngân\nsách thì vẫn có những dự án khác được vẽ ra với mức phí trên trời.

Trong khi hàng loạt dự án được đầu tư hàng trăm tỷ đồng đang hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn Ngân sách thì vẫn có những dự án khác được vẽ ra với mức phí trên trời. 

 

Ế ẩm vẫn tiếp tục xây…

Sau hơn 1 năm hoạt động trở lại, với mức đầu tư 400 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, Tràng Tiền Plaza đã trở nên hoang lạnh vì vắng khách.

Khi đi vào hoạt động sau cải tạo, Tràng Tiền Plaza xuất hiện đầy hoàng tráng với những điểm nổi bật ngay từ bên ngoài là những hoa văn trang trí cầu kỳ được tô điểm tại các ô cửa sổ và cửa chính. Bên trong là hàng loạt các gian hàng từ các thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Kenzo, Christian Dior, Cartier, Rolex… Các túi xách có giá từ 1.000 – 5.000 USD, thậm chí có cái đến 25.000 USD.

Nhiều TTTM ế ẩm, Hà Nội vẫn muốn xây thêm 1000 cái nữa

Tràng Tiền Plaza cũng đã có hàng loạt chương trình giảm giá sau thời gian dài ế khách, gần đây nhất là đợt giảm giá để tái cấu trúc nhưng lượng khách hàng vẫn rất èo uột. Nhiều chuyên gia đánh giá, Tràng Tiền Plaza kinh doanh ế ẩm do định hướng nhắm tới phân khúc khách hàng là giới thượng lưu, chưa phù hợp với thực tế hiện tại.

Đồng cảnh ngộ với Tràng Tiền Plaza, Lotte Center cao 65 tầng với 7 tầng thương mại, được đầu tư 400 triệu USD nằm trên đường Liễu Giai (Hà Nội) cũng đìu hiu, ế ẩm sau ngày Khai trương nhộn nhịp.

Ngoài ra, một loạt các trung tâm thương mại khác cũng chung tình trạng như, Partson Thái Hà, The Garden (Mễ Trì, Nam Từ Liêm), IPH (Xuân Thủy, Cầu Giấy), Mipec Tower (Tây Sơn, Đống Đa), Parkson tại Keangnam Landmark (Phạm Hùng)…

Vậy mà mới đây, Hà Nội lại đưa ra bản Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, dự sẽ xây khoảng 1000 siêu thị bao gồm 64 trung tâm thương mại và 999 siêu thị các loại với mức đầu tư 10 tỷ đồng/năm từ 2020. Con số này làm nhiều người không khỏi giật mình bởi hiện nay Hà Nội đang có 28 trung tâm thương mại và 135 siêu thị đã và rơi vào tình trạng nhiều nơi ế ẩm.

Câu chuyện siêu thị chưa kết thúc thì mới đây, một “ý tưởng ở đâu đó” lại xuất hiện, theo đó mỗi công chức sẽ được vay 2 tỷ để mua các căn hộ cao cấp.

Ý tưởng này khi đưa ra đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của các chuyên gia. Nhiều người trong số đó còn cho cho đó là một ý tưởng… vô duyên. Bởi khi vay 2 tỷ, thì hàng tháng công chức phải trả cả vốn lẫn lãi vào khoảng 15 – 20 triệu đồng, trong khi đó mức lương chi 5 – 6 triệu đồng/tháng, thì lấy gì để trả nợ?

Ngoài ra, nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo ngại khi gói tín dụng này đưa ra là để “cứu” các đại gia bởi nhiều dự án cao cấp đang “đắp chiếu” vì giá quá cao. Như vậy, sẽ không có lợi gì cho người dân cũng như thị trường bất động sản.

Rất may sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã phủ nhận đề xuất này, cho rằng đó chỉ là ý tưởng ở đâu đó, chứ không phải là chủ trương của Nhà nước. Thông tin đó khiến không ít người “thở phào”, bởi nếu nó là chủ trương, thì không biết bao nhiêu ngân sách sẽ trôi theo sóng biển??

Ngân sách trôi theo sóng biển

Thời gian qua, sự lãng phí của hệ thống công nghệ vệ tinh Movimar cũng được dư luận đặc biệt quan tâm.

Hệ thống công nghệ vệ tinh Movima được triển khai theo quyết định số 453/QĐ-BNN-TCTS ngày 14/03/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đây là hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh với quy mô lớn được hợp tác ký kết bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Pháp, khoảng 40 triệu USD.

Thiết bị vệ tinh Movimar được lắp trên tàu cá của ngư dân

Mục đích của dự án nhằm giúp ngư dân nắm bắt thông tin cần thiết cho mỗi chuyến vươn khơi dài ngày trên biển, như: Định hướng cho tàu thuyền trở về bờ hoặc vào nơi tránh bão an toàn gần nhất; xác định chính xác ngư trường có nhiều thủy, hải sản; tin dự báo thời tiết biển, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới; giúp các cơ quan quản lý nghề cá cũng như cơ quan phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn có giải pháp xử lý nhanh, chính xác các tai nạn, sự cố kỹ thuật đối với tàu cá trên biển. Theo đó, 3.000 tàu cá được lựa chọn lắp đặt miễn phí.

Tuy nhiên, sau vài năm triển khai, hệ thống thiết bị này đã bị ngư dân từ chối vì hoạt động không hiệu quả.

Chi phí cho một bộ thiết bị khá đắt khi có đơn giá gần 100 triệu đồng, nhưng chỉ có tác dụng duy nhất là định vị được con tàu mang thiết bị đang ở tọa độ nào trên biển một cách khá chính xác. Với tàu cá của Việt Nam, trong phạm vi đặc quyền kinh tế 200 hải lý vẫn có thể sử dụng được những phương pháp khác tiện lợi hơn, ít tốn kém hơn rất nhiều lần.Trong khi thực tế, ngư dân Việt Nam có nhiều người còn không biết chữ. Việc sử dụng những thiết bị hiện đại như thế này chưa phù hợp với họ.

100 triệu nhân với 3.000 tàu cá, hàng trăm tỉ đồng tiền ngân sách đã trôi theo sóng biển...

Còn rất, rất nhiều những dự án hàng trăm tỷ cũng đã được “vẽ” ra, gây lãng phí không ít cho Ngân sách Nhà nước. Nhiều người băn khoăn vì sao trong khi hàng loạt dự án không hiệu quả, không phù hợp với thực tế nhưng nhiều đề xuất, dự án trên mây, xa vời thực tế khác vẫn đang được vẽ ra và có thể vẫn tiếp tục thực hiện (!?).

Những dự án như thế được đánh giá là có tác hại hơn nhiều lần tham nhũng, vì tham nhũng chỉ làm thất thoát công quỹ 40 hay 50% là tối đa, còn một dự án vẽ voi sai lầm có thể biến trăm phần trăm của cải nhà nước, tiền đóng thuế của nhân dân thành … tro bụi.

Phan Thuỷ/Người đưa tin

 

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news