Cùng với thời gian, tiền kỹ thuật số ngày càng trở nên quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Điều này đang thúc đẩy mọi người tích hợp công nghệ vào cuộc sống của họ. Raju Patel, một người ăn xin đến từ Bihar, Ấn Độ là một trong số họ. Vào đầu tháng 2/2022, Raju Patel đã bỏ phương pháp xin bố thí truyền thống và bắt đầu sử dụng PhonePe, một ví điện tử và một ứng dụng thanh toán trực tuyến.
Bằng cách sử dụng mã QR, Google Pay, người ăn xin với thâm niên 30 năm trong nghề đã tạo ra một cuộc cách mạng cho "ngành ăn xin" tại quốc gia tỷ dân này. Rất nhiều người thích thú với sự đổi mới của Patel, gọi anh là "người ăn xin kỹ thuật số đầu tiên của Ấn Độ". Trong khi đó, một số người chỉ ra công nghệ và kỹ thuật số đã giúp xóa bỏ nghèo đói như thế nào.
Một người dùng Twitter bình luận: "Nó vừa tốt vừa xấu. Tốt là số hóa đã đến được với quần chúng. Xấu là chính quyền không làm đủ để giảm tình trạng ăn xin, tạo việc làm và bản thân những người này cảm thấy hài lòng với việc đi ăn xin mà không làm gì để thoát khỏi nó, để có tương lai tươi sáng hơn".
Một vài người dùng Twitter khác từ Bettiah cũng chỉ ra Patel là một nhân vật nổi tiếng tại nhà ga Bettiah của Bihar. Hàng ngày, anh cầm theo chiếc máy tính bảng dán mã QR lê la khắp ga tàu Pettiah và thu nhập lên đến gần 100.000 đồng mỗi ngày, gấp đôi so với những người ăn xin truyền thống.
Giải thích về nhu cầu đổi mới của mình, Patel nói với ANI: "Nhiều lần, mọi người từ chối bố thí cho tôi và nói rằng họ không có tiền mặt mệnh giá nhỏ. Nhiều du khách cho rằng trong thời đại có ví điện tử thì không cần mang theo tiền mặt nữa. Do đó, tôi đã mở một tài khoản ngân hàng và một tài khoản ví điện tử".
"Tôi chấp nhận thanh toán kỹ thuật số, nó đủ để lấp đầy cái bụng của tôi", anh nói thêm.
(Theo Indian Express)
>> Xem thêm: Cụ bà 80 tuổi vẫn phải đi ăn xin để sống qua ngày khiến CĐM ‘chạnh lòng’