Những ngày qua, dân mạng đang liên tục hưởng ứng theo "trào lưu 10 năm". Mục đích của trào lưu này là chia sẻ những hình ảnh để cho thấy sự khác biệt của bản thân trong quãng thời gian 10 năm qua.
Trên thực tế "trào lưu 10 năm" đã tồn tại trên mạng xã hội lớn nhất thế giới nhiều năm qua. Còn nhớ hồi đầu năm 2019, "trào lưu 10 năm" đã được khởi xướng và thời điểm đó nhiều dân mạng đã vô cùng hào hứng để tham gia. Điểm khác biệt lớn nhất chính là nền tảng ứng dụng để đăng tải các hình ảnh.
Nếu như vào năm 2019, người dùng Facebook sẽ phải đăng tải bằng tay hai hình ảnh thì nay đã có một ứng dụng trên mạng xã hội để thay bạn làm điều này. Chỉ cần nhấn vào nút thử ngay, hệ thống ứng dụng sẽ tự động lựa chọn những hình ảnh để đăng tải.
Liên quan đến trào lưu này, Facebook khẳng định ứng dụng #howmuchhaveyouchangedchallenge không phải do mạng xã hội này tạo ra. Đó là to người dùng tự lan truyền và theo phát ngôn viên của Facebook thì mạng xã hội này không thu lợi gì từ trào lưu 10 năm.
Trong khi nhiều người cảm thấy hứng thú với trào lưu này thì mới đây tác giả Kate O’Neill đã có bài viết phân tích những hiểm họa liên quan đến việc chia sẻ những hình ảnh trên tạp chí công nghệ nổi tiếng Wired.
Tác giả cho biết không muốn nói về sự tích cực hay tiêu cực mà trào lưu này mang lại. Ý của Kate O'Neill trong bài phân tích là chỉ ra những hệ lụy từ việc khai thác hình ảnh khuôn mặt trên Internet.
Việc đăng tải những hình ảnh theo kiểu "trào lưu 10 năm" sẽ vô tình bị cá nhân hoặc tổ chức lợi dụng để huấn luyện thuật toán nhận diện gương mặt. Các loại AI phân tích dữ liệu khuôn mặt sẽ chỉ ra điểm khác biệt chi tiết đến mức bạn cũng khó có thể ngờ tới sau 10 năm.
Với trào lưu này, người dùng sẵn sàng chia sẻ chính xác hình ảnh vào đúng thời điểm chụp kèm theo mô tả chi tiết như: Tôi của năm 2003 và bây giờ. Ngoài ra, các thông tin về ai chụp ảnh, khoảnh khắc, địa điểm thế nào cũng sẽ được người dùng vô tình chia sẻ.
Đối với hình ảnh không có thật, các thuật toán nhận diện gương mặt tinh vi dẽ dàng loại bỏ chúng. Ví dụ, nếu bạn tải lên ảnh một con mèo cách đây 10 năm và ảnh người bạn để tham gia trào lưu ảnh 10 năm, cặp ảnh này sẽ bị thuật toán loại bỏ.
Điều này sẽ trở thành kho dữ liệu khổng lồ cho các đối tượng sử dụng để thu thập dữ liệu. Vài năm gần đây, những ví dụ về trò chơi trên mạng xã hội và các trào lưu được thiết kế ra với mục đích này rất nhiều. Vụ trích xuất dữ liệu 70 triệu người dùng Facebook ở Mỹ được thực hiện bởi Cambridge Analytica là một ví dụ.
Nhận dạng gương mặt hỗ trợ có thể hỗ trợ cho các quảng cáo nhắm mục tiêu. Quảng cáo kết hợp với sự thay đổi về tuổi tác hoặc dựa vào hình ảnh để đoán tuổi tác. Dựa vào phân tích tốc độ lão hóa của bạn, các công ty bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe có thể từ chối bán hàng hoặc trả nhiều tiền hơn vì bạn già quá nhanh.
Và kịch bản tồi tệ nhất mà Kate O'Neill vạch ra hành vi giám sát người dùng. Năm 2016, Amazon giới thiệu dịch vụ nhận dạng khuôn mặt theo thời gian thực. Họ bắt đầu bán các dịch vụ này cho các cơ quan thực thi pháp luật và chính phủ, chẳng hạn như các sở cảnh sát ở Orlando và Hạt Washington, Oregon.
Nhưng cảnh sát có thể sử dụng công nghệ này để theo dõi cả người không phạm tội, những người biểu tình hay người mà cảnh sát cho là phiền phức.
Trào lưu #howmuchhaveyouchangedchallenge có thể đem đến những niềm vui hay gợi nhớ về những kỷ niệm. Dù vậy, người dùng cần hiểu biết hơn về dữ liệu cá nhân và cách trao dữ liệu đó cho các công ty công nghệ.