Hơn 9 ngày sau khi trận động đất mạnh làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm và giải cứu những người dân ra khỏi đống đổ nát, bất chấp hy vọng ngày càng mong manh. Ngày 15/2, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố đoạn video ghi lại cảnh lực lượng cứu hộ giải cứu một cụ bà 77 tuổi khỏi đống đổ nát ở thành phố Adiyaman một ngày trước đó. Bà cụ đã bị chôn vùi khoảng 212 giờ sau động đất. Hãng thông tấn Anadolu xác định bà là Fatma Gungor.
Một người phụ nữ khác cùng 2 con được giải cứu sau 228 giờ bị chôn vùi. Khi được kéo lên, cô đã hỏi "Hôm nay là ngày mấy?". Nhân viên cứu hộ Mehmet Eryilmaz kể về khoảnh khắc họ tìm thấy người mẹ và nói: "Bà mẹ rất vui khi gặp chúng tôi. Đầu tiên, tôi nắm lấy tay cô ấy. Chúng tôi trò chuyện, trấn an để giúp cô ấy bình tĩnh lại".
Người phụ nữ này tên là Ela, cô có 2 đứa con, 1 trai, 1 gái. Do bị chôn vùi quá lâu nên cô đã mất ý thức về thời gian. Chính vì thế, ngoài việc hỏi xin nước uống thì câu đầu tiên cô nói sau khi được kéo ra ngoài chính là hỏi ngày.
Cũng trong ngày hôm qua, một người phụ nữ khác, 45 tuổi được giải cứu sau 222 giờ bị vùi lấp tại thành phố Kahramanmaras. Trước đó, lực lượng cứu hộ ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ vẫn đang nghe thấy tiếng nói của những người sống sót bị mắc kẹt.
Trong cùng khu vực Kahramanmaras, các nhân viên cứu hộ đã cứu được một phụ nữ 35 tuổi, được cho là đã ở trong đống đổ nát khoảng 205 ngày. Ngoài ra còn có 2 người đàn ông, 1 người phụ nữ khác đều được giải cứu vào ngày 14/2, 8 ngày sau khi xảy ra động đất.
Tiến sĩ Sanjay Gupta, phóng viên chiến trường của CNN, hiện đang ở Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng việc mọi người sống sót sau hơn 100 giờ bị mắc kẹt trong đống đổ nát là điều bất thường. Hầu hết mọi người được giải cứu trong vòng 24 giờ.
Tuy nhiên, ông nói rằng nhiệt độ đóng băng trong vùng động đất có thể kéo dài thời gian sống sót của những người bị mắc kẹt. “Thời tiết lạnh là con dao hai lưỡi. Một mặt, nó gây ra rất nhiều khó khăn, hiện tại nó đang ở dưới mức đóng băng… Mặt khác, nó có thể làm giảm nhu cầu về nước. Có lẽ điều đó đang gây ra tác động”, ông nói.
(Theo CNN)