Trong khi một số người Mỹ trên tàu du lịch Diamond Princess, bị cách ly tại cảng Yokohama đã lên máy bay trở về nhà thì một số người khác lại lựa chọn ở lại. Một hành khách chọn ở lại tàu là ông Matthew Smith. Ông cảm thấy "sự trở mặt" của chính phủ Mỹ có nguy cơ làm suy yếu chương trình kiểm dịch mà Nhật Bản đưa ra. Dựa trên sức chứa của các xe buýt chở người muốn rời đi, ông Smith ước tính vẫn còn khoảng 50-60 người trên tàu. Tờ Japan Times không thể xác minh độc lập con số này.
"Vợ tôi và tôi hài lòng với sự kiểm dịch trên tàu. Và trong thực tế, chúng tôi đã nhận được tin Đại sứ quán Mỹ cũng ủng hộ việc này. Họ nói với chúng tôi là tốt nhất ở trong cabin", ông Smith nói qua điện thoại. Nhưng điều khiến ông bất ngờ là chính phủ Mỹ đã thay đổi Chính sách vào cuối tuần vừa rồi, tuyên bố đưa những công dân Mỹ nào muốn về nhà được trở về trên các máy bay điều lệ. Họ sẽ được cách ly 14 ngày nữa khi về tới Mỹ.
"Họ nói sẽ đưa vài máy bay tới đón chúng tôi, họ đưa chúng tôi ra khỏi khu vực cách ly trước khi thời kỳ này kết thúc, ném chúng tôi lên xe buýt, để tất cả lại với nhau, rồi đưa chúng tôi lên máy bay, cũng để tất cả ở chung với nhau, mang chúng tôi về Mỹ. Tôi sẽ không làm điều đó", ông nói.
Hành khách trên tàu Diamond Princess đi lại trên boong trong quá trình cách ly. Ảnh: JiJi
Những lo ngại của ông Smith đường như đã được Bộ Ngoại giao Mỹ xác thực bằng một tuyên bố đưa ra hôm 17/2. Theo đó, 14 người Mỹ có kết quả đương tính với Covid-19 sau khi rời tàu họ và khi trung chuyển sẽ được đi cùng máy bay với những hành khách khác. Tuy nhiên, họ sẽ được ngồi ở một khu ngăn cách riêng biệt. "Bộ Ngoại giao đã đưa ra quyết định cho phép 14 cá nhân, những người bị cô lập, ngồi tách biệt với các hành khách khác, không có biểu hiện bệnh tiếp tục ở lại máy bay để hoàn thành quá trình sơ tán"
Ông Smith tin rằng mình đã ra quyết định đúng sau khi đọc được tuyên bố này. "Chính phủ Mỹ nói họ sẽ không để bất cứ ai có triệu chứng lên máy bay nhưng cuối chùng, họ đã cố tình để 14 người thực sự nhiễm virus lên. Quyết định không sơ tán là quyết định đúng đắn nhất", ông viết trên Twitter.
Mặc dù quyết tâm ở lại, ông Smith cùng vợ mình cũng hiểu tại sao một số người lại muốn rời đi. Mặc dù ông và vợ mình được ở trong một căn phòng đàng hoàng, những người khác bị nhốt trong những phòng nhỏ hơn, không có cửa sổ nên rất bức bí. "Vì vậy, nó khá khác biệt với những trải nghiệm mà chúng tôi có và tôi hiểu mọi người đã kiệt quệ trước tình trạng này".
Một người đàn ông đến từ Hong Kong cũng có mặt trên tàu Diamond Princess đã biết được cảm giác kiệt quệ khi bị nhốt trong căn phòng không được tiện nghi như của ông Smith. Giống như Mỹ, Hong Kong cũng tuyên bố kế hoạch đưa máy bay tới Nhật Bản để hồi hương hành khách từ tàu và đưa họ đến khu vực cách ly bắt buộc thêm 14 ngày khi tới Hong Kong.
Bị mắc kẹt trong căn phòng không cửa sổ suốt một thời gian dài, người dàn ông này muốn được "giải tỏa và chuyển động" trước khi bắt đầu một cuộc cách ly khác. Ông đã tự hỏi liệu mình có được cách ly tại nhà hay không, đặc biệt là khi trong số họ có cả người già và trẻ em.