Tin mới

Giải oan cho Bàng Thái Sư, người bị 'bôi đen' hơn cả Bao Chửng trong Bao Thanh Thiên

Thứ sáu, 15/12/2023, 14:54 (GMT+7)

Bao Chửng khi lên phim bị bôi đen toàn mặt mặc dù ngoài đời ông là người trắng trẻo thư sinh. Nhưng số phận của Bàng Thái Sư còn bi thảm hơn bởi ông từ một hiền thần đã trở thành kẻ xấu trong các bộ phim.

Trong nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình làm về thời Bắc Tống, Trung Quốc thường xuất hiện một viên quan phản bội, là kẻ thù của Bao Chửng, bức hại Dương gia tướng. Người này chính là Bàng Tịch, hay còn gọi là "Bàng Thái Sư" (trong Bao Thanh Thiên, nhân vật này là Bàng Cát).

Trong lịch sử Bắc Tống có nhân vật Bàng Tịch nên nhiều người cho rằng ông là nguyên mẫu của Bàng Thái Sư trong phim. Tuy nhiên, Bàng Tịch trong lịch sử hoàn toàn không phải là kẻ nghịch thiên và xấu xa như các hình tượng trên phim.

Theo ghi chép lịch sử, Bàng Tịch tên chữ là Thuần Chi, quê ở Thành Vũ, Đan Châu (nay là huyện Thành Vũ, tỉnh Sơn Đông). Năm 1015, ông đỗ tiến sĩ ở tuổi 28, rồi ra làm quan. Trong thời gian làm quan, Bàng Tịch không sợ cường quyền, dám nói lên ý kiến của mình, được mọi người ca ngợi là "Thiên Tử Ngự Sử".

Trong phim Bao Thanh Thiên, nhân vật Bàng Thái Sư bị ghét cay ghét đắng vì liên tục giở trò để hãm hại Bao Chửng. Ảnh minh họa: Internet
Trong phim Bao Thanh Thiên, nhân vật Bàng Thái Sư bị ghét cay ghét đắng vì liên tục giở trò để hãm hại Bao Chửng. Ảnh minh họa: Internet

Khi còn làm quan ở phủ Khai Phong, một ái phi của Tống Nhân Tông đã sai thái giám đến phủ, công bố sắc lệnh miễn tiền thuê chợ cho người dân. Bàng Tịch không tuân lệnh mà trình báo sự việc lên Tống Nhân Tông. Ông nói việc phi tần ban chiếu lệnh từ xưa đến nay chưa từng có, phải trừng phạt các thái giám. Vụ việc khiến Tống Nhân Tông phẫn nộ. Ông ra chỉ dụ từ nay việc truyền mệnh lệnh trong cung không được tùy tiện chấp nhận.

Sau này, vì Bàng Tịch làm trái ý tể tướng đương triều nên bị giáng chức đi nơi khác làm quan. Năm 1038, lãnh đạo bộ lạc Đảng Hạng, Lý Nguyên Hạo tự xưng là hoàng đế Tây Hạ, phát động chiến tranh với Bắc Tống.

Năm 1401, Bàng Tịch được bổ nhiệm làm đồng trung thư môn hạ bình chương sự kiêm chiêu văn quán đại học sĩ, đồng thời là sứ giả về chiến lược kinh tế và bình định, ra tiền tuyến trong cuộc chiến Tống - Hạ. Trong thời gian nắm quyền, Bàng Tịch thi hành nghiêm chỉnh kỷ luật quân đội, cho quân xây dựng pháo đài ở những nơi trọng điểm, chiêu mộ người đi làm ruộng và dần khôi phục lãnh thổ đã mất. Lý Nguyên Hạo dẫn quân đến khiêu khích ông nhưng không thành công. Dưới sự quản lý của Bàng Tịch, Bắc Tống đã hình thành một tuyến phòng thủ vững chắc ở khu vực Tây Bắc.

Trong thực tế, nhân vật Bàng Thái Sư lại là một vị quan tốt, hết lòng vì dân vì nước. Ông không có con gái là Bàng Phi, cũng chẳng có con trai là Bàng Dục bị Bao Chửng xử trảm. Ảnh minh họa: Internet
Trong thực tế, nhân vật Bàng Thái Sư lại là một vị quan tốt, hết lòng vì dân vì nước. Ông không có con gái là Bàng Phi, cũng chẳng có con trai là Bàng Dục bị Bao Chửng xử trảm. Ảnh minh họa: Internet

Sau khi chiến tranh Tống - Hạ kết thúc, Bàng Tịch được điều về triều, thăng chức lên đến Thái sư. Trong thời kỳ này, Bàng Tịch khuyến khích người yếu kém, tích cực tiến cử nhân tài, chẳng hạn như Tư Mã Quang, Địch Thanh...

Không lâu sau, Bàng Tịch lại liên lụy tới một vụ án và bị các quan lại viết thư luận tội. Năm 1054, ông bị giáng chức. Mãi đến năm 1060, Bàng Tích được triệu đến phủ Khai Phong lần nữa. Nhưng lúc này ông đã 73 tuổi nên xin hoàng đế cho nghỉ hưu. Tống Nhân tông đồng ý để Bàng Tịch nghỉ ngơi và phong tước cho ông. 3 năm sau, Bàng Tích qua đời do bệnh tật, thọ 76 tuổi. Ông được triều đình truy tặng nhiều tước hiệu cao quý.

Trong suốt cuộc đời của mình, Bàng Tịch là một hiền thần, có nhiều cống hiến cho triều đình Bắc Tống. Không có chuyện ông là một hôn quan, chuyên đâm bị thóc, chọc bị gạo như trong các tác phẩm truyền hình. 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news