Tin mới

Giáo sư Trần Văn Khê: "Đóng phim 1 ngày đủ để ăn 600 bữa"

Thứ tư, 24/06/2015, 10:40 (GMT+7)

Trong cuộc đời Giáo sư Trần Văn Khê, ít ai biết ông từng đi đóng phim khi còn ở hải ngoại. Tuy nhiên, như ông nói, ông đóng phim là một sự bắt buộc trong cuộc đời, vì tiền bạc khi ấy quá thiếu thốn.

Trong cuộc đời Giáo sư Trần Văn Khê, ít ai biết ông từng đi đóng phim khi còn ở hải ngoại. Tuy nhiên, như ông nói, ông đóng phim là một sự bắt buộc trong cuộc đời, vì tiền bạc khi ấy quá thiếu thốn.

Rạng sáng 24/6, Giáo sư Trần Văn Khê, người nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc qua đời ở tuổi 94, để lại muôn vàn tiếc nuối cho người thân, bạn bè, hậu sinh.

Giáo sư Trần Văn Khê qua đời ở tuổi 94, lúc rạng sáng 24/6

Sau 56 năm làm việc và sinh sống tại Pháp, từng đi 67 quốc gia chỉ để nói chuyện duy nhất về âm nhạc dân tộc Việt Nam, năm 2005, Giáo sư - Tiến sĩ - Viện sĩ Trần Văn Khê mới thỏa ước nguyện trở về quê nhà sinh sống. 

Giáo sư Trần Văn Khê: Đóng phim 1 ngày đủ để ăn 600 bữa

Trong cuộc đời Giáo sư Trần Văn Khê, ít ai biết ông từng đi đóng phim khi còn ở hải ngoại. Trong bài phỏng vấn trên Thanh niên tuần san, Giáo sư kể: 

"Tôi phải nói ngay, tôi đóng phim là một sự bắt buộc trong cuộc đời. Đó là thời gian làm tiến sĩ - 1956, chỉ còn 2 năm nữa là bảo vệ luận án mà tiền bạc thì thiếu thốn nên phải đi đóng phim. Khi ấy ông đạo diễn đi tìm một diễn viên vai người cai quản trại tù binh Nhật trong phim Cuộc đời tôi bắt đầu từ Mã Lai lấy tứ từ một cuốn tiểu thuyết do người Australia viết thời kỳ bị Nhật đô hộ. Ông đi khắp nước Anh để tìm một người Nhật như vậy nhưng không có, tôi cùng thử vai với 27 người khác mà cuối cùng người ta thấy tôi Nhật hơn cả người Nhật nên được ký hợp đồng ngay. 

Số tiền đóng phim đã giúp tôi trong 2 năm liền không phải làm gì. Mỗi ngày tôi được trả 50 bảng cộng thêm 12 bảng tiền ăn. Trừ tiền thuế phải trả tôi còn lại 30 bảng. Tính mỗi ngày đóng phim đủ để ăn 600 bữa. Mà tôi đã đóng trong12 ngày liền. Nhưng với tôi, đóng phim chỉ là phương tiện để sống chứ không phải là cứu cánh. Tôi còn lồng tiếng cho hàng trăm phim bên Pháp. Có lẽ vì phản xạ của tôi rất nhạy, không bị lỡ nhịp miệng của diễn viên, tôi lại có thể lồng tiếng cho nhiều nhân vật. 

Tôi làm lồng tiếng phim khoảng 2 - 3 năm nhưng đóng phim thì không nhiều, chỉ một phim Pháp và một phim Anh. Tôi không mê điện ảnh, nên chẳng bị ảnh hưởng nào từ nó hết và không có bộ phim nào làm tôi say mê để thay đổi cuộc đời. Tôi chỉ thích xem nhất là phim về tiểu sử các nhạc sĩ nổi tiếng thế giới. Đó là những người tôi kính trọng nhất nên muốn xem cuộc sống của họ như thế nào". 

Hơn nửa đời người mới trở lại quê nhà

Về nước, Giáo sư Trần Văn Khê mới thấy mình có cuộc sống hạnh phúc bởi ông bảo, ông từng ước mơ có ngôi nhà trưng bày các tư liệu nghe nhìn mà ông thích và khu vườn với những cây hoa. Giờ ông có cả.

Trong ngôi nhà gần 200m2 trên con đường Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, giáo sư Trần Văn Khê dành phần lớn căn nhà để lưu trữ toàn bộ gia sản mà ông tích cóp được. Gia sản đó là những cuốn sách được ông nâng niu, chắt chiu gìn giữ về âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Giáo sư Trần Văn Khê - Cây đại thụ của nền âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Trên Người lao động, Giáo sư Trần Văn Khê từng tâm sự: "Tôi luôn mong ước được về Việt Nam, có một ngôi nhà không chỉ là nơi để ở mà còn là nơi để làm việc. Đó là nơi tập trung và giữ gìn những tư liệu mà cả đời tôi gom góp được, để sau này cho thế hệ trẻ Việt Nam đến xem, để các bạn có thể đối thoại với các nền văn hóa âm nhạc trên thế giới".

Người Việt quan niệm: "Sống có nhà, thác có mồ", ước nguyện về nguồn có căn nhà đã thành hiện thực đối với giáo sư Trần Văn Khê là niềm hạnh phúc lớn lao nhất. Tâm huyết, nhiệt huyết về nền âm nhạc dân tộc từ nay đã có nơi lưu giữ và trường tồn cho hậu thế mai sau.

Ngôi nhà số 32 hiện lưu trữ toàn bộ 450 kiện hàng- di sản đồ sộ mà giáo sư Trần Văn Khê đã tự bỏ ra 10.000 USD lo chi phí vận chuyển từ Pháp về Việt Nam. Trong đó gồm: sách báo, tạp chí, băng đĩa, máy móc, nhạc cụ… mà phần nhiều là những tư liệu quý giá về âm nhạc dân tộc Việt Nam và thế giới.

Trên Sài Gòn Giải Phong, Giáo sư Trần Văn Khê từng chia sẻ: “Gần 100 cuốn sổ tay tôi gọi là cuốn du ký và tôi quý lắm. Đi đến đâu tôi đều ghi lại đầy đủ và giữ từ tấm thiệp mời, thư từ của bạn bè, trong đó có cả thực đơn khi đi ăn cùng bạn bè, tôi giữ lại và đưa họ ký vào để làm kỷ niệm. Số sách báo có cái sưu tầm phục vụ nghiên cứu, giảng dạy; có cái tôi mua để xem chơi, nhưng là tài liệu rất tốt cho những ai muốn tìm hiểu về âm nhạc của thế giới. Mỗi cây đàn ở đây đều có “lịch sử” riêng…”.

Trong di nguyện của mình, ông viết: "Khi tôi vĩnh viễn ra đi, lúc ấy ngôi nhà này sẽ được sử dụng để làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê”... Riêng tiền phúng điếu thì ban tang lễ có thể sử dụng số tiền này để lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng Trần Văn Khê để hằng năm phát cho người được giải thưởng nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Việt Nam".

Chắc chắn, những tinh hoa của nền âm nhạc dân tộc Việt Nam mà Giáo sư Trần Văn Khê dành cả đời nghiên cứu, lưu giữ sẽ là kho báu vô giá để mọi người yêu thích có nơi đến đọc, nghiên cứu, trao đổi... như đúng di nguyện của ông.

Giao Anh (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news