Các chương trình quảng cáo không tiếc lời thổi phồng tác dụng của Xích Thố Vương như thứ thuốc kích dục!?
Thời gian vừa qua, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, Xích Thố Vương – Một loại thực phẩm chức năng (sản xuất bởi Công ty Cổ phẩn Dược phẩm Gia Nguyễn và được phân phối trên toàn quốc bởi Công ty Cổ phần Dược phẩm Việt Đức) được quảng cáo tràn lan với Công dụng như “thần dược” giúp đấng mày râu phục hồi khả năng sinh lý.
Theo đó, những mỹ từ được Xích Thố Vương quảng cáo trên các phương tiện truyền thông như: Xích Thố Vương là một trong những thuốc bổ thận tráng dương tăng cường sinh lực của nam giới. Cải thiện hoocmon sinh dục nam, làm chậm quá trình mãn dục nam ở những người trung tuổi”.
Xích Thố Vương liệu có thổi phồng về khả năng phục hồi sinh dục nam?“Dùng cho tất cả các trường hợp yếu sinh lý, xuất tinh sớm, những trường hợp dương vật không đủ cương cứng khi quan hệ. Phục hồi dần dần thận ở những người thận yếu, suy thận… Tăng cường lượng testosterol ở nam giới lên. Tạo hưng phấn tình dục, và sức bền bỉ khi quan hệ”.
Thậm chí, quãng thời gian năm 2013, Xích Thố Vương còn xuất hiện nhiều trong những chương trình quảng cáo vào khung giờ vàng trên truyền hình. Lời quảng cáo ra rả dùng cho tất cả các trường hợp yếu sinh lý, xuất tinh sớm, những trường hợp dương vật không đủ cương cứng khi quan hệ” xuất hiện với tần xuất dày đặc khiến không ít người tỏ ra khó chịu.
PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, thực tế hiện nay cho thấy, thực phẩm chức năng đang bị nhiều doanh nghiệp quảng cáo, giới thiệu, tư vấn theo kiểu “quá đà” khiến người tiêu dùng hiểu lầm. Chính vì lý do này, hiện nay người tiêu dùng có hai chiều hướng trái ngược: Một là tin tưởng một cách thái quá, biến TPCN thành thần dược. Chiều hướng còn lại là tẩy chay, nói không một cách tuyệt đối với thực phẩm chức năng.
Từ quan điểm trên, PGS.TS Trần Đáng khẳng định tầm quan trọng của việc quảng cáo đúng tác dụng của sản phẩm. Tuyệt đối không được nói vống công dụng gây nên sự hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Để làm rõ những thắc mắc về nội dung quảng cáo có phần nói vống của nhãn hàng Xích Thố Vương, PV đã liên hệ làm việc với Công ty dược phẩm Việt Đức, đơn vị phân phối loại thực phẩm chức năng này.
Bà Nghiêm Thị Hiền, trưởng phòng Marketing Công ty dược phẩm Việt Đức cho biết: “Những video quảng cáo trên truyền hình đều được thực hiện 100% theo kịch bản và được nhà đài cấp duyệt. Trước những lo ngại về việc Xích Thố vương có phần nói vống, nói quá về công năng hỗ trợ cho sức khỏe người tiêu dùng (đặc biệt là khả năng sinh lý nam), bà Hiền khẳng định sản phẩm hoàn toàn được quảng cáo đúng với công năng.
Bà Hiền cho rằng, phía công ty không thể nắm bắt được hết những nội dung quảng cáo về Xích Thố Vương trên mạng, bởi mỗi đơn vị được phân phối sản phẩm đều đưa ra hình thức giới thiệu mặt hàng riêng, họ có trang web giới thiệu sản phẩm riêng và công ty không có quyền can thiệp.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Giang Hồng Thanh – trưởng văn phòng Luật sư Giang Thanh cho hay, hành việc doanh nghiệp quảng cáo gian dối trên truyền hình cũng như trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng là hành vi vi phạm pháp luât và có mức xử phạt hành chính riêng.
Luật sư Thanh cho hay, trong Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo có nêu rõ nội dung xử phạt đối với hành vi quảng cáo gian dối.
Cụ thể theo khoản 5 (điều 51) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này;
b) Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
(Còn nữa...)
Xuân Tùng/ Đời sống & Pháp luật