Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã kết thúc điều tra sơ bộ thương vụ Grab mua lại hoạt động của Uber tại thị trường Việt Nam sau 1 tháng điều tra.
Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Như vậy, vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế tại Mục 3, Chương II Luật Cạnh tranh 2004.
Với căn cứ này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đang xem xét điều tra chính thức. Khi kết thúc quá trình điều tra chính thức, hồ sơ vụ việc sẽ được chuyển cho Hội đồng cạnh tranh để xử lý theo quy định.
Tại buổi làm việc giữa tháng 4/2018 với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Uber cho biết từ 23h59 ngày 8/4, Uber đã chính thức chấm dứt hoạt động của ứng dụng Uber tại Việt Nam. Hiện tại văn phòng Uber Việt Nam cũng đã đóng cửa. Như vậy, giao dịch tập trung kinh tế giữa Grab và Uber đã chính thức hoàn tất tại thị trường Việt Nam.
Trên cơ sở kết quả làm việc với các bên liên quan và thông tin thu thập được, căn cứ Khoản 2 Điều 86 Luật Cạnh tranh năm 2004, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng quyết định tiến hành điều tra sơ bộ vụ việc hạn chế cạnh tranh liên quan đến hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế nêu tại Luật Cạnh tranh năm 2004.
Thời hạn điều tra sơ bộ là 30 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra sơ bộ.
Tại buổi làm việc với GrabTaxi trước đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã nhận định công ty này chưa đưa ra được các căn cứ chứng minh hãng không độc quyền, tức có thị phần dưới 30% sau khi Uber được sáp nhập vào.
Cục đã khuyến nghị công ty cung cấp các căn cứ này, đồng thời đánh giá kỹ thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan để bảo đảm tuân thủ các quy định về tập trung kinh tế của pháp luật cạnh tranh trước khi tiến hành giao dịch trên thị trường Việt Nam.
Theo quy định của Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng Doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Nếu vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.
N.Dương