Không chỉ giới đại gia mà cả những dân bản trên đỉnh trời Tây Bắc cũng sẵn sàng chi ra hàng tỷ đồng để sở hữu một gốc cây gù hương tỏa mùi thơm đặc biệt.
Theo thông tin ghi nhận trên báo Nông nghiệp Việt Nam, phóng viên báo NNVN đã có dịp tận mục sở thị những bộ bàn ghế được coi như báu vật ở phố núi Mường Hum. Theo lời những hộ dân thì chúng được làm bằng gốc cây gù hương nghìn năm tuổi, tỏa ra mùi thơm đặc biệt, khiến các loại côn trùng như muỗi, gián, kiến,… phải tránh xa.
Theo chân PV báo NNVN đến thôn Ky Quan San, xã Mường Hum, huyện Bát Xát, Lào Cai, gặp anh Tẩn Phù Chỉn, một người dân trong thôn nổi tiếng sở hữu gốc cây gù hương rất to. Bước chân vào nhà anh, mọi người sẽ phải ngạc nhiên vì mùi hương ngào ngạt từ trong nhà tỏa ra, không giống mùi nước hoa, đó là một mùi tinh dầu thơm nhẹ nhàng, dễ chịu.
Bộ bàn ghế làm từ gốc gù hương trị giá 200 triệu đồng. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam |
Bộ bàn ghế đẹp như ngai vàng nằm nổi bật giữa gian nhà đơn sơ, chiếc bàn được làm từ gốc cây cổ thụ đục đẽo rất công phu, xung quanh là 6 chiếc ghế được chế tác từ những gốc cây nhỏ hơn có hình thù kỳ lạ.
Kể về gốc cây gù hương quý giá đang sở hữu, anh Chỉn cho biết, gốc cây này được đào trên núi Mào Gà cao chót vót. Gốc cây to ăn sâu vào lòng đất gần 2m, 30 thanh niên to khỏe phải mất tới 2 ngày 2 đêm mới khiêng được gốc cây ra đường ô tô.
Theo lời giới thiệu của anh Chỉn, có một bộ gỗ gù hương còn đắt giá hơn bộ gỗ của anh. Bộ bàn ghế “khủng” này thuộc quyền sở hữu của ông Tẩn Sài Hín. Thực sự, đối với bộ bàn ghế này, bộ của anh Chỉn chỉ là hạng “tôm tép”. Chiếc bàn của ông Hín được làm từ gốc gù hương nghìn năm tuổi, có đường kính hơn 1m, mép có các thớ gỗ sần sùi nhô lên như mào gà khổng lồ.
Bên cạnh chiếc bàn khủng là 7 chiếc ghế, chúng được làm từ gốc và rễ gù hương, mỗi chiếc sở hữu một hình dạng kỳ lạ khác nhau, càng tăng thêm vẻ kỳ quái cho bộ bàn ghế.
Để tìm hiểu giá trị thực sự của bộ bàn ghế làm từ những gốc cây gù hương đáng giá trên đỉnh Mào Gà, phải tìm đến nhà “vua gỗ” tại phố núi Mường Hum, anh Tạ Văn Nhọt.
Anh Nhọt không chỉ nổi tiếng là chủ sở hữu ngôi nhà làm toàn bằng gỗ quý cùng nhiều đồ nội thất cùng từ gỗ quý, mà còn được biết đến là người sở hữu hai bộ bàn ghế gù hương trị giá hàng trăm triệu đồng.
Một gốc cây gù hương nguyên bản, chưa được chế tác. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam |
Anh chia sẻ, biết anh thích chơi đồ gỗ nên dân bản đào được gù hương lại bán cho anh, còn một bộ thì anh mua tận Ao Tiên trên núi. Riêng tiền thuê thợ mộc về đục đẽo gốc gù hương đã tốn 20 triệu đồng, giá trị của một bộ bàng ghế gụ hương gốc to mà anh sở hữu đã lên tới 200 triệu đồng.
Ban đầu chỉ có 1,2 người dân phố núi Mường Hum biết chơi, nhưng về sau càng rõ về loại gỗ quý này lại càng có nhiều người bỏ tiền thuê dân bản “săn” những gốc gù hương độc đáo nhất. Hiện nay, tại Mường Hum có trên dưới 10 bộ bàn ghế gốc gù hương có giá trị từ vài chục triệu đến hơn 200 triệu đồng.
Nói đến thú chơi gù hương, giới chuyên gỗ lũa còn rỉ tai nhau câu chuyện ly kỳ của ông Nguyễn Công Đức ở Thái Hà (Hà Nội). Từ trước ông nổi tiếng là người mát tay nuôi được nhiều gấu đẻ nhất Việt Nam, thế rồi một ngày ông bất ngờ bán nhà tại Hà Nội mà bỏ lên làm trang trại ở xã Sơn Lâm, huyện Lương Sơn, Hòa Bình.
Cơ may sở hữu gốc cây gù hương lớn nhất Việt Nam đến với ông từ 8 năm trước. Trong một lần tình cờ phát hiện một “tảng đá” rất lớn trong rừng, ông được người dân nơi đó cho biết, đó là gốc còn sót lại của một cây gù hương khổng lồ, cành và thân cây đã được người Pháp xẻ ra đưa về làm tinh dầu, chỉ còn lại cái gốc cây này. Dân bản bán nó cho ông Đức với giá 1 triệu 2 trăm ngàn, tuy nhiên nhận thấy giá trị lớn của gốc cây này nên ông ngỏ ý muốn trả 25 triệu đồng.
Gốc gù hương có đường kính 7m được trả giá 2,2 tỷ đồng nhưng ông Đức nhất quyết không bán. Ảnh: VTCNews |
Giờ đây gốc cây gù hương có đường kính lên tới 7m, tuổi đời hàng nghìn năm này đã nằm yên vị trong sân nhà ông. Từ khi tin đồn ông Đức sở hữu gốc gù hương lớn nhất Việt Nam thì nhiều tay chơi gỗ lũa chuyên nghiệp đã tìm đến với mong muốn mua lại gốc cây quý này. Điển hình như đại gia Bá Mạnh (Sài Gòn) đã gạ đổi 25 bộ gỗ lũa cẩm lai, mỗi gốc trị giá 2m có giá cả tỷ đồng, nhưng ông Đức nhất quyết không đổi. Một lần khác, khi đại gia Mạnh Hùng (Tp.Vinh, Nghệ An) đến xem và trả 1,2 tỷ đồng để mua lại nhưng ông Đức vẫn không lung lay.
Đỉnh điểm là một doanh nhân nước ngoài, trước khi rời Việt Nam đã tìm đến ông Đức với ý muốn mua lại bộ gù hương quý giá này với mức giá 130 nghìn USD, tương đương 2,2 tỷ đồng nhưng theo ông Đức thì có trả cao gấp 10 lần giá này ông cũng không bán.
Chia sẻ trên VTCNews, ông Đức cho biết, không thể có gốc gù hương nào có tuổi đời dài và đẹp nguyên vẹn như gốc này. Bộ gù hương hội tụ đủ mọi giá trị thẩm mỹ, không thể kiếm ra bộ thứ hai ở Việt Nam.
Người chơi gù hương cũng không chỉ là các đại gia lắm tiền mà đơn thuần là những người dân kinh doanh buôn bán thông thường, thậm chí có cả người dân bản trên núi cao. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng quá cao, cánh thợ săn tìm nhiều quá, dẫn tới số lượng gù hương giảm sụt khá mạnh.
Lý giải cho hiện tượng săn lùng gù hương, dù chúng có giá trị hàng trăm triệu đồng, chắc phải nói tới giá trị và độ quý hiếm của loài gỗ đặc biệt này.
Loài cây này chỉ được tìm thấy quanh khu vực xã Mường Hum trên vùng cao Bát Xát. Chúng thường mọc tại những thung lũng ẩm ướt, gốc cây càng lâu năm càng nằm sâu dưới lòng đất nên không bao giớ bị mối mọt. Gốc cây gù hương sở hữu nhiều hình dạng kỳ lạ, bên cạnh đó chúng còn có mùi thơm rất đặc biệt, tự động tỏa hương khiến các loại côn trùng bỏ đi hết.
Hoài An (tổng hợp)