Tin mới

"Quyền im lặng" phải được in thật to treo trong buồng hỏi cung!

Thứ ba, 15/09/2015, 13:23 (GMT+7)

"Nếu Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định về quyền im lặng thì những thông tin về quyền này phải được in thật to, rõ ràng, thậm chí treo trong buồng hỏi cung để chính bị can, bị cáo hiểu được quyền của mình" - Luật sư Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết.

"Nếu Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định về quyền im lặng thì những thông tin về quyền này phải được in thật to, rõ ràng, thậm chí treo trong buồng hỏi cung để chính bị can, bị cáo hiểu được quyền của mình" - Luật sư Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết.

Sáng ngày 15/9, tại hội trường A, văn phòng Hội Luật gia Việt Nam (đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội) đã diễn ra hội thảo công nhận quyền im lặng và việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung – Tác động đa chiều.

Quang cảnh hội thảo quyền im lặng và việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung

Phát biểu khai mạc buổi hội thảo, ông Lê Văn Quyền - Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam cho hay: “Quyền im lặng và việc ghi âm, ghi hình được quy định trong nhiều điều của pháp luật Việt Nam. Đây là một vấn đề rất mới mẻ và nóng hổi. Hội Luật gia có đề xuất triển khai thảo luận một vấn đề đang rất nóng hổi hiện nay.

Hy vọng trong cuộc hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, từ các hoạt động thực tiễn đưa ra những nhận xét. Đóng góp ý kiến xác đáng, trên cơ sở đó hiểu đúng vấn đề này để có những kiến nghị đưa vào bộ luật tố tụng hình sự. Tất cả để làm sao cho công chúng không ai bị oan sai.

Chúng tôi coi cuộc hội thảo hôm nay chỉ là bước đầu, sẽ có nhiều buổi hội thảo nữa để có được những cái nhìn, quan điểm đa chiều về vấn đề công nhận quyền im lặng và việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung”.

GS.TS Đào Trí Úc – Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Chính sách công và Pháp luật tham luận: “Quyền im lặng không phải khái niệm pháp lý, thực chất của nó là quyền của người bị buộc tội không khai báo. Đó là quyền được cảnh báo để tự bảo vệ mình, xuất phát từ quyền tự do con người, bảo đảm an toàn cá nhân, an toàn tự do cho người bị buộc tội.

GS.TS Đào Trí Úc – Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện chính sách công và Pháp luật tham luận

Thứ hai là quyền im lặng trong tố tụng hình sự: Chúng ta bàn ý kiến sẽ rất khác nhau, trên thực tế cũng vậy. Sở dĩ tranh luận gay gắt vì không thể thống nhất được không có khái kiện im lặng (im mồm, không nói gì cả).

Tranh luận có thể xảy ra vì ta không xác định được mục đích của tố tụng hình sự. Nếu tố tụng hình sự theo đổi mục đích tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, ưu tiên cho mục đích tìm được sự thật khách quan, theo đuổi mục đích truy tố”.

Trung tướng, PGS.TS. Trần Văn Độ - Phó Chánh án TAND tối cao, Chánh án Tòa án quân sự TƯ, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội tham luận.

Trung tướng cho rằng, quyền im lặng còn gọi là quy tắc Miranda, là quyền con người được ghi nhận đầu tiên trong Pháp luật Hoa Kỳ trên cơ sở phán quyết của Tòa án tối cao năm 1966.

Quyền im lặng cũng được quy định trong pháp luật nhiều nước, và nội dung quy định này cũng có sự khác nhau ở mỗi quốc gia, tùy theo các điều kiện kinh tế, xã hội và truyền thống pháp luật mỗi quốc gia.

Theo đó, quyền im lặng có một số nội dung cơ bản: Nghi phạm có quyền không khai báo để buộc tội mình; nghi phạm có quyền có luật sư để hỗ trợ pháp lý nói chung, hỗ trợ khi khai báo nói riêng; nghi phạm có quyền có luật sư chứng kiến khi lấy lời khai. Vì thế, các điều tra viên, công tố viên cần giải thích cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền khai báo sau khi giải thích về quyền im lặng.

Trung tướng, PSG. TS Trần Văn Độ phát biểu tại hội thảo

Tuy nhiên, quyền im lặng không loại trừ quyền khai báo của người bị buộc tội. Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền khai báo sau khi được giải thích về quyền im lặng. Việc nhận tội của bị can, bị cáo luôn được xem là hình thức giảm nhẹ đặc biệt trong quyết định hình phạt đối với bị cáo.

Quan niệm trên loại trừ quan niệm không chính xác hiện nay ở nước ta khi cho rằng, quyền im lặng là quyền của bị can, bị cáo chỉ cho đến khi có người bào chữa, khi có người bào chữa, bị can, bị cáo có nghĩa vụ phải khai báo.

"Quyền im lặng" phải được in thật to, rõ ràng, thậm chí treo trong buồng hỏi cung

Phát biểu tại hội thảo, luật sư Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Im lặng bảo đảm người ta thực hiện quyền cơ bản mà Hiến pháp quy định. Nó phù hợp với trách nhiệm của Cơ quan thi hành tố tụng.

Luật sư Chiến cho rằng, quyền im lặng là yêu cầu, đòi hỏi. Quy định quyền im lặng trong Luật tố tụng hình sự là phù hợp với đòi hỏi thực tiễn và nâng cao năng lực nghiệp vụ của những người liên quan đến hoạt động này.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Nếu chúng ta có quyền im lặng sớm, năng lực nghiệp vụ được nâng cao thì sẽ không có oan sai. Chúng ta cần thay đổi tư duy, phải từ chứng để xác định cung, căn cứ vào chứng để tìm ra cung. Chúng ta đang đi theo trình tự ngược.

Nguyên tắc suy đoán vô tội: Không dùng lời của người ta để buộc tội mà phải có bằng chứng đầy đủ mới kết tội. Chứng cứ đó phải thông qua Tòa án thì mới đưa ra kết luận.

Quy định quyền im lặng sẽ góp phần tránh tiếng kéo dài khá nhiều năm nay, giải oan cho các Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành tố tụng và đội ngũ Luật sư.

Luật sư Chiến đề xuất: "Nếu Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định về quyền im lặng thì những thông tin về quyền này phải được in thật to, rõ ràng, thậm chí treo trong buồng hỏi cung để chính bị can, bị cáo hiểu được quyền của mình".

"Ngoài ra, cơ chế giám sát chặt chẽ bằng lắp đặt camera không chỉ giám sát thuần túy, mà để xác định được vấn đề hỏi cung và vấn đề khác liên quan, chống bức cung, nhục hình…" - luật sư Chiến cho hay.

GS Nguyễn Đăng Dung – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Quyền này là đương nhiên, không nhất thiết phải quy định vào Luật. Cứ quy định vào luật mới làm thì là dở. Không cần quy định vào hiến pháp, vào luật thì nó vẫn là quyền.

Cơ quan tiến hành tố tụng có rất nhiều công cụ và chuyên môn cộng kinh nghiệm. Đó là quyền được công, Nhà nước giao để thực hiện quyền điều tra, xét xử, kết tội của mình. Trong khi đó, người bị can, bị cáo không có quyền gì hết, họ chỉ dựa vào những quy định của pháp luật có để bảo vệ quyền mình.Trong số những quyền đó, quyền im lặng là quyền rất cần thiết và dễ làm nhất.

Bà Nga - Trung tâm tư vấn pháp luật cho rằng: Từ thực tiễn tư vấn pháp luật trong bao nhiêu năm qua, quan điểm của tôi là người dân ít được tiếp cận, tuyên truyền pháp luật sâu rộng. Nếu quyền im lặng không được quy định vào luật, liệu nó có đến được với người dân không?

Người dân không phải ai cũng biết tới những điều luật mới. Từ thực tiễn, đa số bị can, bị cáo muốn chối tội. Quyền của bị can, bị cáo là có quyền được mời luật sư...

Tham dự buổi hội thảo có các đồng chí GS. TSKH Đào Trí Úc – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Viên Chính sách công và Pháp luật; TS. Nguyễn Văn Hương – Phó bộ môn Luật hình sự, Khoa pháp luật hình sự, Đại học Luật Hà Nội; LS. Nguyễn Văn Chiến – Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Trung tướng, PGS.TS. Trần Văn Độ - Phó Chánh án TAND tối cao, Chánh án Tòa án quân sự TƯ, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội; Thiếu tá Ngô Đức Thắng  -Trưởng phòng V19, Cục pháp chế và cải cách thủ tục hành chính tư pháp, Bộ Công An.

Tiểu Phương

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news