Tin mới

Hơn 2,5 triệu ca Covid-19 toàn cầu, LHQ cảnh báo thảm họa nhân đạo

Thứ tư, 22/04/2020, 14:18 (GMT+7)

Số ca Covid-19 toàn cầu đã vượt 2,5 triệu, trong đó Mỹ chiếm gần 825.000 ca.

Tình nguyện viên phun khử trùng Covid-19 tại một con hẻm ở Brazil. Ảnh: AFP

Toàn thế giới có khoảng 177.000 ca tử vong vì Covid-19, trong đó châu Âu chiếm 2/3. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 2.751 ca tử vong, gần bằng kỷ lục 2.806 ca hôm 15/4, nâng tổng số người chết lên 44.845.

Phải mất khoảng 75 ngày để 500.000 ca nhiễm đầu tiên của thế giới được báo cáo nhưng chỉ mất có 6 ngày để thêm gần nửa triệu ca. 41 ca nhiễm đầu tiên được xác nhận ngày 10/1, chỉ hơn 3 tháng trước và số ca nhiễm mới đã tăng tốc lên hơn 70.000 ca/ngày trong tháng 4.

Mặc dù các chuyên gia cho biết số ca nhiễm Covid-19 thực tế còn cao hơn báo cáo, nhưng con số này vẫn kém xa dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 khiến khoảng 500 triệu người nhiễm. Số ca nhiễm mới vẫn tăng lên nhưng đã có dấu hiệu lây lan dịch chậm lại tại nhiều quốc gia áp đặt lệnh phong tỏa.

Trước diễn biến của dịch Covid-19, Chương trình Lương thực Thế giới (WFO) của LHQ cảnh báo dịch có thể gây ra nạn đói khủng khiếp. Một phân tích của chương trình ước tính sẽ có thêm 130 triệu người bị đẩy đến bờ vực chết đói vào cuối năm 2020 do sự bùng phát của dịch Covid-19. Như vậy, số người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực sẽ tăng gấp đôi lên 265 triệu người.

Theo giám đốc WFP, David Beasley, kịch bản tồi tệ nhất là nạn đói xảy ra ở khoảng 30 quốc gia. "Chúng ta không chỉ đối mặt với đại dịch sức khỏe toàn cầu mà còn phải đối mặt với thảm họa nhân đạo toàn cầu", ông Beasley nói. "Hàng triệu người sống tại các quốc gia có xung đột, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, sẽ phải đối mặt với cảnh đói khát, nỗi ám ảnh về nạn đói là một khả năng rất thực tế và nguy hiểm".

Quan chức này nói rằng các nước như Haiti, Nepal và Somali đang phụ thuộc rất nhiều vào kiều hối trong khi các nước như Ethiopia sẽ mất đi nguồn thu từ du lịch, chiếm tới 47% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đồng thời, Giá dầu sụp đổ có thể tàn phá Nam Sudan, nơi mà dầu mỏ là nguồn xuất khẩu duy nhất của đất nước.

Hiện WFP đang thực hiện kế hoạch lưu trữ 3 tháng thực phẩm và tiền mặt để phục vụ các hoạt động tại những nước được ưu tiên. Tổ chức này cũng yêu cầu 350 triệu USD để thiết lập một mạng lưới các trung tâm hậu cần và hệ thống giao thông cho chuỗi cung ứng nhân đạo đi khắp thế giới.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news