Tin mới

Hướng dẫn xác định cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức mới nhất

Thứ năm, 18/01/2024, 18:39 (GMT+7)

Cơ cấu ngạch công chức được tính theo tỷ lệ % số công chức giữ các ngạch công chức trên tổng số công chức trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức.

Ngày 05/01/2024, Bộ Nội vụ ban hành Công văn 64/BNV-CCVC về việc xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Trước đó, ngày 31/12/2022, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 13/2022/TT-BNV hướng dẫn việc xác định cơ cấu ngạch công chức; đồng thời, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã ban hành các thông tư hướng dẫn việc xác định vị trí việc làm và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Qua kiến nghị của Bộ, ngành, địa phương và ý kiến tại Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thống nhất triển khai thực hiện nội dung.

Hướng dẫn xác định cơ cấu ngạch công chức

Cơ cấu ngạch công chức được tính theo tỷ lệ % số công chức giữ các ngạch công chức trên tổng số công chức trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức (viết tắt là đơn vị sử dụng), cụ thể: 

Thứ nhất, đối với các đơn vị sử dụng thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Bộ), cơ quan thuộc Chính phủ

- Đối với các tổ chức thực hiện chức năng tham mưu chuyên sâu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực:

+ Ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương: Tối đa không quá 30%;

+ Ngạch chuyên viên chính và tương đương: Tối đa không quá 50%;

+ Ngạch chuyên viên, cán sự, nhân viên và tương đương: Tối đa không quá 20%.

- Đối với các tổ chức thực hiện chức năng tham mưu tổng hợp hoặc về công tác quản trị nội bộ:

+ Ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương: Tối đa không quá 25%;

+ Ngạch chuyên viên chính và tương đương: Tối đa không quá 50%;

+ Ngạch chuyên viên, cán sự, nhân viên và tương đương: Tối đa không quá 25%.

Thứ hai, đối với các cơ quan chuyên môn và cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

- Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương:

+ Ngạch chuyên viên chính và tương đương: Tối đa không quá 50%;

+ Ngạch chuyên viên và tương đương trở xuống: Tối đa không quá 50%.

- Đối với các cơ quan chuyên môn và cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh:

+ Ngạch chuyên viên chính và tương đương: Tối đa không quá 40%;

+ Ngạch chuyên viên và tương đương trở xuống: Tối đa không quá 60%.

Thứ ba, đối với các cơ quan chuyên môn và cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện

- Ngạch chuyên viên và tương đương: Tối đa không quá 80%;

- Ngạch cán sự, nhân viên và tương đương: Tối đa không quá 20%.

Ảnh minh họa. Ảnh Internet.
Ảnh minh họa. Ảnh Internet.

Hướng dẫn xác định cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức

Việc xác định cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức được thực hiện theo hướng dẫn tại các Thông tư của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Trường hợp chưa có hướng dẫn hoặc đã có hướng dẫn nhưng chưa xác định cụ thể tỷ lệ % ở mỗi hạng chức danh nghề nghiệp thì thống nhất thực hiện như sau: Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị tự chủ nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 2): Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 20%; Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%; Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 30%.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 3) và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 4): Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 10%; Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%; Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 40%.

Một số lưu ý khi xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức:

Cơ cấu trên không bao gồm công chức lãnh đạo, quản lý và viên chức quản lý.

Đối với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Hàn lâm KHCN Viêt Nam, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thuộc, trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện được thành lập theo đúng quy định của pháp luật thì quyết định theo thẩm quyền hoặc căn cứ vào quyết định của cấp có thẩm quyền thành lập để xác định tỉ lệ tương ứng với tỉ lệ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị nêu trên.

Đối với các đơn vị thuộc, trực thuộc các cơ quan nêu tại mục 1, mục 2 và tại khoản này thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị để phân bổ tỷ lệ phù hợp, bảo đảm tỷ lệ theo quy định.

Trường hợp chưa đủ số lượng theo tỷ lệ ở mỗi ngạch công chức hoặc mỗi hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì số còn thiếu được cộng vào ngạch (hạng) thấp hơn liền kề và có thể lớn hơn tỷ lệ theo quy định. Trường hợp số lượng thực tế hiện có vượt tỷ lệ nêu trên thì tạm thời không tổ chức thi, xét nâng ngạch hoặc xét thăng hạng lên ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp đã vượt quá tỷ lệ.

Cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ hướng dẫn tại Công văn này để xem xét, quyết định việc áp dụng xác định tỉ lệ cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news

Chi tiết mức lương giáo viên sau khi tăng lương cơ sở từ 7/2023

Sau khi tăng lương cơ sở từ 7/2023, bảng lương của giáo viên sẽ có những thay đổi như thế nào? Cập nhật chi tiết mức lương giáo viên mầm non, tiểu học, mức lương GV THCS, THPT... chi tiết nhất.