Cổ nhân có câu, người đời có bốn chuyện hỉ sự là có mưa sau đợt hạn hán kéo dài, gặp lại cố nhân nơi đất khách quê người, đêm động phòng hoa chúc và thời khắc tên tuổi được ghi trên bảng vàng. Trên phim ảnh, những tác phẩm truyền hình cổ trang Trung Quốc thường có mô tuýp thư sinh nghèo sau khi vượt qua kỳ thi khoa cử thành Trạng Nguyên thường lọt vào mắt xanh của Hoàng đế, được gả công chúa cho. Trạng Nguyên cũng nghiễm nhiên trở thành phò mã - con rể của Hoàng đế và có một chức quan trong triều đình.
Trong phim "Bao Thanh Thiên", chuyện Trần Thế Mỹ sau khi đỗ Trạng Nguyên đã kết hôn với công chúa, trở thành Phò Mã và ruồng bỏ mẹ con Tần Hương Liên ở quê nhà. Trong phim "Mộng hoa lục", hôn phu tương lai của Triệu Phán Nhi là Âu Dương Húc sau khi thi đỗ Thám hoa cũng hủy hôn với nàng để cưới con gái tể tướng.
Tuy nhiên, hiện thực thời phong kiến cổ đại lại hoàn toàn khác biệt với phim ảnh. Trong lịch sử, có rất ít Trạng Nguyên hay Thám Hoa trở thành Phò Mã của hoàng tộc. Thậm chí, nhiều Trạng Nguyên, Thám Hoa còn nơm nớp lo sợ nếu được hoàng đế gả con gái cho. Nhiều người cho rằng, đối với một người bình thường, được lấy công chúa là ơn huệ trời ban. Nhưng với các Trạng Nguyên, Thám Hoa, đây là điều mà họ lo lắng bất an. Lý do các Trạng Nguyên, Thám Hoa không muốn trở thành Phò Mã của triều đình rất đơn giản.
Theo Sohu, công chúa là con gái cưng của hoàng đế, là lá ngọc cành vàng. Từ nhỏ đã được ăn sung mặc sướng, có người hầu kề cận, thông thạo các quy tắc trong cấm cung. Vì lẽ đó mà hoàng đế có rất nhiều yêu cầu khắt khe khi chọn phò mã. Thông thường, các công chúa của các triều đại trong lịch sử phong kiến Trung Quốc đều được gả đi để hòa thân (kết thân để cầu hòa) - một trong những phương thức duy trì ngoại giao. Bằng cách sắp xếp cho các công chúa xinh đẹp kết hôn với kẻ địch, hoàng đế sẽ đổi được hòa bình vùng biên giới. Do đó, rất hiếm khi có trường hợp hoàng đế gả con gái cho các Trạng Nguyên, Thám Hoa vừa đỗ khoa cử.
Lý do thứ hai, thời xưa, đàn ông có địa vị cao hơn phụ nữ. Nếu đàn ông làm quan trong triều thì có thể lấy ba vợ bốn thiếp, còn phụ nữ thì bị ràng buộc bởi tam tòng tứ đức. Tuy nhiên, nếu đồng ý lấy công chúa - con gái của hoàng đế, trở thành Phò Mã, các Trạng Nguyên, Thám Hoa sẽ mất đi quyền lực, không có địa vị, không có tiếng nói. Nếu làm mất lòng công chúa, họ sẽ khó bề ăn nói với hoàng đế, thậm chí còn có thể khiến cả gia tộc mất mạng. Nhiều nam nhân đỗ đầu khoa thi đã có tương lai tươi sáng, không nhất thiết phải gật đầu lấy công chúa để rước phiền phức vào người.
Lý do thứ hai, các thư sinh thi đỗ Trạng Nguyên đều có thể ra chốn quan trường làm quan. Nếu cưới một công chúa, sự nghiệp của người này sẽ nhanh chóng thăng tiến trong thời gian ngắn, thậm chí có thể trở thành một vị quan quyền lực, có tiếng nói. Tuy nhiên, hoàng đế với bản tính đa nghi, hầu hết đều không muốn con rể nắm giữ quyền hành quá lớn, có thể gây bất lợi cho triều chính. Một khi quyền lực của Phò Mã được mở rộng sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của hoàng đế.
Ví dụ, vào thời nhà Minh, có triều đại quy định công chúa chỉ được kết hôn với thường dân để tránh việc vợ chồng công chúa sau này gây rắc rối cho triều đình.
Lý do thứ ba, thực tế, ngoài đời, có nhiều người thi đỗ khoa cử đều đã có tuổi, không phải thư sinh trẻ trung như trên phim ảnh. Xét cho cùng, vào thời phong kiến, thi cử là con đường duy nhất có thể thay đổi vận mệnh của đàn ông nghèo. Muốn trở thành quan lại chỉ có một con đường là đi thi liên tục cho tới lúc công thành danh toại mới dừng lại. Chính vì thế, có những người khi đỗ Trạng Nguyên, Thám Hoa đã không còn quá trẻ. Thậm chí, có người đã có vợ con đuề huề. Vì thế, hoàng đế dù có ái mộ Trạng Nguyên cũng không thể gả công chúa cho những người này.