Tin mới

Không chỉ đe dọa 36,7 triệu người, siêu bão Mangkhut còn có thể khiến kinh tế châu Á khốn đốn

Thứ sáu, 14/09/2018, 20:05 (GMT+7)

Chuyên gia kinh tế tại Singapore dự đoán tỉ lệ lạm phát của Philippines sẽ còn tiếp tục tăng sau khi siêu bão Mangkhut đổ bộ và gây thiệt hại cho chuỗi cung ứng tại nước này.

Chuyên gia kinh tế tại Singapore dự đoán tỉ lệ lạm phát của Philippines sẽ còn tiếp tục tăng sau khi siêu bão Mangkhut đổ bộ và gây thiệt hại cho chuỗi cung ứng tại nước này.

Không chỉ đe dọa 36,7 triệu người, siêu bão Mangkhut còn có thể khiến kinh tế châu Á khốn đốn

Người dân Philippines chuẩn bị đối phó với siêu bão Mangkhut. Nguồn: Bloomberg.

Nếu như nước Mỹ phải hứng chịu siêu bão Florence, thì cách đó nửa vòng Trái Đất, các nước châu Á - Thái Bình Dương cũng đang phải đối mặt với siêu bão Mangkhut - cơn bão mạnh nhất kể từ đầu năm 2018 và đang trên đà mạnh ngang siêu bão Haiyan từng khiến hơn 6.300 người Philippines thiệt mạng hồi năm 2013.

Với sức gió lên đến 285 km/h, Mangkhut được đánh giá là mạnh hơn siêu bão Florence do có sức gió lớn hơn và phạm vi ảnh hưởng rộng hơn. Theo dự báo mới nhất của cơ quan khí tượng Philippines, siêu bão Mangkhut đang hướng về nước này với vận tốc lên tới 255 km/h, đe dọa tính mạng và tài sản của hàng triệu người trên đường di chuyển.

Ngày 10-11/9 vừa qua, cơn bão Mangkhut đã càn quét qua đảo Guam (lãnh thổ hải ngoại của Mỹ), gây ra lũ lụt và mất điện trên diện rộng.

Theo các cơ quan khí tượng thế giới, sau khi đổ bộ Philippines, siêu bão Mangkhut sẽ tiếp tục hướng về phía Hồng Kông và Trung Quốc. Dự báo, Miền Bắc Việt Nam và Đảo Đài Loan cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng của cơn bão này.

Hệ thống báo động và điều phối thiên tai toàn cầu (GDACS) ước tính số người chịu ảnh hưởng của siêu bão cấp 17 Mangkhut tại châu Á sẽ lên đến 36,7 triệu người.

Sau đây là những hậu quả mà siêu bão Mangkhut có thể gây ra tại khu vực châu Á.

Philippines

Tổ chức Chữ thập Đỏ Philippines dự đoán rằng khoảng 10 triệu người dân nước này hiện đang sinh sống trên đường đi của siêu bão Mangkhut sẽ hứng chịu ảnh hưởng của siêu bão; trong đó có 824.000 người cần được sơ tán khẩn cấp.

Chính phủ Philippines đã ra lệnh đóng cửa các trường học, khẩn cấp tiến hành sơ tán người dân và chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất khi siêu bão Mangkhut đổ bộ.

Cơ quan chức năng cũng dự đoán cơn bão này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích đất trồng trọt và chăn nuôi của Philippines, đe dọa nguồn cung thực phẩm khi nước này vốn đang trong tình trạng khó khăn do tỉ lệ lạm phát tăng cao nhất trong hơn 6 năm.

Bloomberg trích lời Bộ trưởng Nông nghiệp Emmanuel Pinol cho biết, siêu bão Mangkhut có thể tàn phá số hoa màu lên đến 203 triệu USD tại Philippines.

Đây là thiệt hại rất lớn đối với những người nông dân nước này do cơn bão lớn ập đến đúng vào thời điểm họ chuẩn bị thu hoạch số hoa màu trên. Nông dân Philippines đã buộc phải gấp rút thu hoạch trước thời hạn.

"Chắc chắn các hoạt động kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, nhưng hoạt động canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản còn chịu thiệt hại nặng nề hơn, khiến chuỗi cung ứng thực phẩm không thể đáp ứng nhu cầu của người dân", chuyên gia kinh tế Chidu Narayanan tại ngân hàng Standard Chartered, Singapore cho biết.

"Tình hình trên càng gây thêm sức ép lớn hơn đối với nền kinh tế vốn đang có tỉ lệ lạm phát cao và khiến mức lạm phát tiếp tục tăng lên", ông Narayanan dự đoán giá tiêu dùng tại Philippines có thể tăng đến 5% trong năm nay do ảnh hưởng của thiên tai đến chuỗi cung ứng.

Hồng Kông

Mặc dù đường đi của siêu bão Mangkhut vẫn còn tiếp tục thay đổi, nhưng Hồng Kông cũng là một trong những địa điểm có nguy cơ bị cơn bão này đổ bộ trực tiếp sau khi đi qua Philippines.

Theo CNN, cường độ bão Mangkhut được dự đoán mạnh nhất khi đi qua Hồng Kông, và đây sẽ là cơn bão lớn nhất từng đổ bộ Hồng Kông trong 60 năm qua.

Hồng Kông đã tuyên bố sẽ mở 48 địa điểm trú ẩn tạm thời cho cư dân nơi đây ngay khi chính quyền đặc khu phát cảnh báo cấp độ 3 về cơn bão. Những cư dân sinh sống trên các đảo xa khu vực trung tâm cũng đã được cảnh báo di chuyển đến những khu vực an toàn hơn.

Theo Bloomberg, các hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán và việc khai thác các đường bay cũng sẽ bị ảnh hưởng khi siêu bão Mangkhut đổ bộ.

Trung Quốc Đại lục

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung Quốc đã so sánh siêu bão Mangkhut là "mạnh mẽ" như một bậc thầy Kungfu, và phát cảnh báo an toàn đối với những người dân sinh sống ở ven biển tỉnh Quảng Đông, trung tâm sản xuất công nghiệp của nước này - nơi được cho là sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của siêu bão Mangkhut.

Chính quyền Quảng Đông cũng đã mở 3.777 địa điểm trú ẩn, đồng thời tiến hành sơ tán hơn 100.000 người dân và khách du lịch đến nơi an toàn hoặc về nước. Hơn 36.000 tàu cá cũng đã trở về bờ trước khi cơn bão ảnh hưởng đến tỉnh này.

Ngoài ra, theo AP, chính quyền tỉnh Quảng Đông cũng đã tạm ngừng khai thác tuyến đường sắt từ các thành phố Trạm Giang và Mậu Danh, cùng với đó là các tuyến phà qua lại giữa tỉnh Quảng Đông và đảo Hải Nam.

Bên cạnh Quảng Đông, tỉnh lân cận Phúc Kiến cũng đã tạm đóng cửa các bãi biển và địa điểm du lịch trong thời gian bão Mangkhut chuẩn bị đổ bộ.

Đảo Đài Loan

Theo dự báo của các cơ quan khí tượng, Đài Loan sẽ chỉ bị bão Mangkhut ảnh hưởng nhẹ. Tuy nhiên, chính quyền đảo này vẫn cảnh báo người dân cảnh giác trước những trận mưa lớn và gió mạnh do ảnh hưởng của siêu bão vào cuối tuần này.

Các nhà máy năng lượng

Các nhà máy năng lượng nằm trên đường đi của siêu bão Mangkhut bao gồm nhà máy điện hạt nhân Daya Bay ở tỉnh Quảng Đông, nhà máy lọc dầu và hóa dầu tại thành phố Huệ Châu và thành phố Châu Hải ở miền Nam Trung Quốc.

Ngoài ra, một số nhà máy lọc dầu ở Đài Loan, đảo Hải Nam và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn của Việt Nam cũng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của siêu bão Mangkhut.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news