Tin mới

“Không ở đâu xem truyền hình trả tiền rẻ như ở Việt Nam”

Thứ sáu, 12/09/2014, 14:56 (GMT+7)

"Không ở đâu xem truyền hình trả tiền rẻ như ở Việt Nam" - Đó là nhận định của ông Bùi Huy Năm, Phó tổng giám đốc VTV\nCab. Nhiều “ông lớn” trong ngành này cũng vừa lên tiếng … kêu khổ.

"Không ở đâu xem truyền hình trả tiền rẻ như ở Việt Nam" - Đó là nhận định của ông Bùi Huy Năm, Phó tổng giám đốc VTV Cab. Nhiều “ông lớn” trong ngành này cũng vừa lên tiếng … kêu khổ.

“Bất công tiền thuê bao truyền hình rẻ không bằng bữa ăn sáng”

Tại Hội nghị quốc tế về cơ hội phát triển truyền hình trả tiền Việt Nam do Hiệp hội về lĩnh vực truyền hình trả tiền kỹ thuật số, nhiều sếp lớn của ngành này đã đồng loạt lên tiếng về mức thuê bao mà theo họ là quá rẻ hiện nay.

Bà Nguyên Hạnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giải trí - Truyền thông Q.net – một trong những đơn vị lớn nhất trong phân phối phát sóng các kênh truyền hình quốc tế đối với dịch vụ truyền hình trả tiền -  cho hay, hiện thuê bao ở các hạ tầng có thể xem một tháng từ 70 – 100 kênh với giá chưa bằng một bữa ăn sáng và được hưởng thụ một tháng trời các sản phẩm tinh hoa văn hóa cả trong nước và nước ngoài là… một sự bất công đối với người sáng tạo.

Hình minh họa xem truyền hình trả tiền tại Việt Nam 

Ông Jacques-Aymar de Roquefeuil, Phó tổng giám đốc K+ thì cho rằng, chi phí thuê bao ở Việt Nam khá “dễ chịu”, trung bình chỉ 4-5 USD/tháng, trong khi ở châu Phi, nơi có nhiều nước kém phát triển hơn Việt Nam nhưng giá thuê bao truyền hình trả tiền trung bình cũng là 20 USD. Các nước trong khu vực mức giá thuê bao cũng cao hơn nhiều so với Việt Nam

Còn  ông Bùi Huy Năm, Phó tổng giám đốc VTV Cab, phản ánh: “Không ở đâu xem truyền hình trả tiền rẻ như ở Việt Nam”.

Bà Ngô Bích Hạnh, Phó tổng giám đốc công ty Vietnam media Corp – BHD, đơn vị chuyên sản xuất các nội dung chương trình truyền hình cho rằng, thị trường truyền hình trả tiền cho việc sản xuất nội địa đang rất kém. Lý do là đầu ra, tức thuê bao/người xem trả cho truyền hình trả tiền là rất thấp với 4-5 USD, trong khi quảng cáo thì vẫn rất nhỏ.

Truyền hình trả tiền vẫn là thị trường béo bở cho doanh nghiệp

Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) thông tin, từ 2001 đến nay, truyền hình trả tiền phát triển mạnh với sự phổ biến của dịch vụ truyền hình cáp hữu tuyến và đến cuối năm 2013, trên cả nước đang có trên 30 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Gần như tỉnh, thành phố nào cũng có dịch vụ truyền hình cáp, thậm chí một số tỉnh, thành phố có sự hiện diện của 2 đến 3 đơn vị cung cấp dịch vụ cùng hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, đến cuối 2013, cả nước vẫn chỉ có hơn 6 triệu thuê bao truyền hình trả tiền trên tổng số xấp xỉ 22 triệu hộ gia đình. Ông Bảo nhận mạnh về nhu cầu cấp bách cần phải áp dụng cơ chế quản lý mới để tạo ra bước phát triển nhanh và bền vững cho thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, với hơn 6 triệu thuê bao hiện có cùng 20 triệu thuê bao tiềm năng, thị trường truyền hình trả tiền được đánh giá là thị trường béo bở với bất cứ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, sức hút lớn hơn cả chính là số tiền mà thị trường này có thể đem lại cho các doanh nghiệp.

Số liệu ước tính của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho thấy, tổng doanh thu của toàn thị trường truyền hình trả tiền trong nước đạt gần 2 tỷ USD vào năm 2011. Con số này tăng lên 2,5 tỷ USD (tương đương 54.000 tỷ đồng) vào 2012. Trong đó, Doanh thu từ quảng cáo lên tới khoảng 850 triệu USD trong năm 2011 và hơn 1 tỷ USD vào năm ngoái. Đây là một khoản tiền lớn với bất cứ đại gia nào, kể cả với VNPT, Viettel và FPT Telecom.

Dù có khoảng 40 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đang hoạt động nhưng, đến hết năm 2013, thị phần chủ yếu nằm trong tay hai nhà đài lớn là VTV và HTV. Trong đó, SCTV chiếm khoảng 40%, tiếp theo là VTVCab với 30%. Kế đến là HTVC với 15%. Các doanh nghiệp khác chia đều 15% ít ỏi còn lại.

Giang Giang/Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news